Nằm trên con đường Thánh Mẫu ở TP Đà Lạt, vườn dâu, cà chua trồng trong nhà kính của ông Vương Đình Phước khá nổi tiếng nhờ cho năng suất cao, và quanh năm trĩu quả.
Nông sản Việt yếu ở nhiều khâu
- Cập nhật : 28/07/2016
Hàng hóa nông sản Việt Nam chưa có sự đầu tư đồng bộ từ khâu đầu đến khi phân phối đưa ra thị trường, nhất là khâu chế biến còn rất nhiều hạn chế về dây chuyền, công nghệ hiện đại...
Một DN xuất khẩu rau củ quả sang thị trường Nhật Bản đưa ra bài toán so sánh, trung bình 1kg tỏi của Việt Nam nếu xuất thô sang Nhật Bản chỉ thu về được khoảng hơn 50.000đ/kg (tương đương 3 USD/kg), nhưng nếu được xử lý qua dây chuyền đóng gói, ủ lên men phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nước này, thì có thể đưa lên mức giá 150 USD/kg, lợi nhuận cao hơn hàng trăm lần.
Hay đối với sản phẩm bắp non, hoặc một số loại trái cây chưa qua xử lý rất dễ hư hỏng, giá trị thấp, nhưng khi được đóng gói, chế biến qua quy trình thì nhiều quốc gia Mỹ, châu Âu lại có nhu cầu nhập khẩu cao.
Theo số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, hiện tỷ trọng nông sản xuất khẩu chế biến sâu tại Việt Nam mới đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa các nước trong khối ASEAN).
Trong đó, nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ rất thấp, như rau quả thực phẩm 10%, cà phê 4-6%, dừa, chè, cao su, đậu... hầu như chỉ qua sơ chế hoặc xuất khẩu thô, không đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường thế giới.
Những năm gần đây, nhu cầu của thị trường thế giới đã thiên về các sản phẩm đã qua chế biến như chè gói nhúng uống liền, cà phê hòa tan và cà phê rang xay, nhưng các DN Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu chè búp khô và cà phê nhân thô. Hay trên thị trường cao su, thị trường thế giới đã chuyển sang tiêu thụ mạnh các sản phẩm cao su kỹ thuật, nhưng Việt Nam lại xuất khẩu các sản phẩm truyền thống mủ khô...
Chính lý do này đã làm giảm vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đơn cử, giá cà phê nhân khô chỉ bằng 26% giá của cà phê hòa tan, và khoảng 22% giá cà phê rang xay, giá hạt tiêu nhân chỉ bằng 16-20% giá nhựa dầu hồ tiêu....
Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra nhận xét, mặc dù hiện nay năng lực xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam không thua kém các nước, thậm chí nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, cá da trơn, tôm... còn có năng lực cạnh tranh cao, luôn đứng ở vị trí nhất nhì thế giới, song, các mặt hàng này phần lớn vẫn đang được xuất thô, nên giá trị thương phẩm, giá trị gia tăng rất thấp.
Nguyên nhân chính của vấn đề này là do hàng hóa nông sản Việt Nam chưa có sự đầu tư đồng bộ từ khâu đầu đến khi phân phối đưa ra thị trường, nhất là khâu chế biến còn rất nhiều hạn chế về dây chuyền, công nghệ hiện đại.
Giám đốc CTCP Kinh tế Duyên hải (Cofidex) cho biết, mở rộng thị phần, nâng cao giá trị và cao hơn là hội nhập được vào chuỗi cung ứng giá trị nông sản toàn cầu là điều mà các DN sản xuất, chế biến hàng hóa nông sản của Việt Nam nên hướng đến.
Và đây cũng chính là lý do tại sao, trong bối cảnh khó khăn vừa qua nhưng Cofidex vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông thủy sản tại KCN Vĩnh Lộc (H. Bình Chánh, TP. HCM) với số vốn lên đến gần 30 tỷ đồng, trên quy mô hơn 11 ha, được trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật.
Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động sản xuất ổn định, nhà máy sẽ đạt sản lượng 8.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD. Song theo vị giám đốc này, không có nhiều DN dám bỏ ra số tiền lớn như vậy để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bởi cho đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, hiệu quả không cao nên vẫn làm theo quy mô nhỏ cho dễ thay đổi và thu hồi vốn. Chính vì vậy, nhìn chung, ngành chế biến nông sản trong nước, vẫn thiếu sự đầu tư đồng bộ, quy mô.
Theo Viện chính sách và Phát triển Nông nghiệp nông thôn, sản phẩm nông sản sau khi qua tinh chế sẽ nâng giá trị lên gấp 10 - 20 lần so với xuất nguyên liệu thô. Nếu không nhận thức rõ vấn đề này và nhanh chóng thay đổi cách làm, thì lĩnh vực vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ nhanh chóng tụt hậu và không bao giờ đạt được mục tiêu đã đề ra.
Nhật Minh
(Thời báo Ngân hàng)