Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi chim công, anh Trần Văn Toản (ngụ KV Bình Yên B, P.Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Kiếm tiền bằng nghề nuôi cà cuống
- Cập nhật : 20/09/2017
Lâu nay, cà cuống gần như bị lãng quên bởi loài côn trùng này đang dần biến mất trong tự nhiên.
Thế nhưng, ở Tây Ninh, cà cuống đang được anh Châu Tấn Nghiên (32 tuổi, ngụ ấp Long Hòa, xã Long Chữ, H.Bến Cầu) tìm tòi, phát triển thành nghề nuôi hái ra tiền.
Theo anh Nghiên, từ đầu năm đến nay, trại nuôi cà cuống của anh xuất bán hơn 5.000 con giống cho người dân khắp nơi. Thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng.
Anh Nghiên cho biết hơn 1 năm trước, anh vô tình bắt gặp khoảng 20 ổ trứng cà cuống ở ngoài ruộng. Anh đem về nhà, tìm cách ấp thì mỗi ổ trứng cà cuống nở ra khoảng hơn 100 con. Thế nhưng, 1-2 ngày sau đó, toàn bộ số cà cuống vừa nở chết sạch.
Tò mò, anh Nghiên tìm tòi trên mạng internet và lân la dò hỏi cách chăm sóc, nguồn thức ăn, giai đoạn sinh trưởng... Sau khi có được sự hướng dẫn, anh Nghiên tiếp tục đi tìm trứng cà cuống và cho số cà cuống con vừa nở được vào một trong số những bể nuôi lươn đang bỏ trống của mình nuôi thử. Cà cuống dần sinh trưởng tốt và sinh sản liên tục. Có được con giống, anh tìm đầu ra và dần dần được nhiều người biết đến, tìm tới tận nhà để hỏi mua.
Thấy được nguồn thu nhập ổn định, anh Nghiên quyết định bỏ mô hình nuôi lươn, dành toàn bộ hồ để tập trung nuôi cà cuống. "Nuôi lươn chi phí cao, tốn công chăm sóc nhưng lợi nhuận chẳng bao nhiêu", anh Nghiên lý giải.
Ban đầu, anh cho nuôi cà cuống bằng cây lục bình. Tuy nhiên, nhận thấy cây lục bình khiến hồ nuôi rậm rạp, thức ăn thừa nằm lẫn trong rễ lục bình rất khó vệ sinh. Thêm vào đó nếu 1-2 ngày nếu không kịp phát hiện thay nước thì cà cuống sẽ chết. Anh Nghiên quyết định thay toàn bộ lục bình thành những nhánh cây. "Với những nhánh cây này sẽ giúp dễ vệ sinh hồ nuôi, ít thay nước nên tiết kiệm được thời gian hơn. Trong khi đó, khi cà cuống bám lên đẻ trứng người nuôi có thể dễ dàng lấy trứng đưa đi ấp", anh Nghiên chia sẻ.
Giai đoạn sinh sản, cà cuống bò lên cành cây nhô trên mặt nước và đẻ trứng. Chùm trứng có màu trắng ngà, từ 120 - 150 trứng/ổ. Trứng nở ra ấu trùng sau khoảng 5 - 7 ngày. Ấu trùng sẽ trải qua 5 lần lột xác (từ 45 - 60 ngày) để trở thành cà cuống trưởng thành. Thức ăn của cà cuống là nòng nọc, nhái, cá... Cũng theo anh Nghiên, nếu trứng được đưa ra ấp riêng sẽ có tỷ lệ nở đạt 99-100%, trong khi để con trống ấp tự nhiên chỉ đạt 80%.
Anh Nghiên chia sẻ thêm: "Cái khó nhất của mô hình nuôi cà cuống nằm ở giai đoạn khi cà cuống vừa nở ra. Nếu giai đoạn này thực hiện không đúng kỹ thuật thì toàn bộ cà cuống con sẽ không sống được. Cà cuống có thân hình dẹt, lúc trưởng thành có cánh, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình 7-8 cm, có con lên đến 10-12 cm. Cà cuống trưởng thành có chứa tinh dầu với mùi giống như mùi quế. Từ xa xưa, người Việt dùng cà cuống để chữa chứng đái dầm cho trẻ em và có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Người dân ở nhiều nơi tìm đến hỏi mua và được anh sẵn sàng hướng dẫn tận tình kỹ thuật nuôi. Hiện mỗi ngày anh Nghiên cung cấp từ 200-300 con giống cho người dân có nhu cầu. Giá cà cuống tùy từng giai đoạn trưởng thành. Trung bình từ 20.000 - 100.000 đồng/con. Thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng.
Do chưa có đầu ra lớn nên anh Nghiên chỉ nuôi với số lượng cầm chừng (1.000 - 2.000 con/đợt) để ép giống và cung cấp con giống. Theo anh Nghiên, trong thời gian tới, nếu đầu ra ổn định anh sẽ tăng cường thêm 3 -4 hồ nuôi, số lượng lên đến 5.000 - 10.000 con/đợt.
Giang Phương
Theo Thanhnien.vn