Hiện tại nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch lúa Thu Đông sớm nhưng gặp ngay thời tiết bất lợi do mưa dầm nên mất giá. Nhiều cánh đồng năng suất còn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên nông dân không có lãi.
Chuỗi giá trị nông sản: Mô hình nông nghiệp hiện đại, bền vững
- Cập nhật : 21/07/2016
Các mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với DN làm đầu mối đóng vai trò chính trong chuỗi giá trị đang được chứng minh là mô hình phù hợp trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Giúp trình độ sản xuất được cải thiện và quy mô sản phẩm tăng lên.
Mấy năm gần đây, Nhà máy mì Sơn Hải và Tịnh Phong (thuộc CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi) đã ký nhiều hợp đồng liên kết với các hộ nông dân trồng mì (sắn) thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ, Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi).
Số diện tích mì của các hộ dân đưa vào liên kết lên đến hơn 10 nghìn ha. Thực hiện các cam kết tại hợp đồng liên kết, các nhà máy hỗ trợ nông dân vốn đầu tư phát triển cây mì cao sản, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm… Hiệu quả đem lại từ cây mì đối với bà con nông dân vì vậy khá cao so với các cây trồng khác.
Tương tự, việc liên kết giữa Nhà máy đường Thổ Phong thuộc CTCP Đường Quảng Ngãi với nông dân trồng mía tại khu vực lân cận cũng được đẩy mạnh thời gian qua. Công ty là đầu mối cung ứng vốn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm vừa phát triển bền vững các vùng mía tập trung chuyên canh, vừa đảm bảo tăng năng suất, sản lượng, qua đó giúp bà con có thu nhập cao và ổn định hơn trước…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, nhờ đẩy mạnh các mô hình chuỗi liên kết trong nông nghiệp mà hoạt động của các nhà máy cũng ổn định hơn. Các mô hình liên kết nói trên cũng tạo điều kiện thuận để nông dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho bà con nông dân… Mô hình cho thấy cả hai bên tham gia đều có lợi và hài lòng nhất là các hộ nông dân địa phương.
Các mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với DN làm đầu mối đóng vai trò chính trong chuỗi giá trị đang được chứng minh là mô hình phù hợp trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Giúp trình độ sản xuất được cải thiện và quy mô sản phẩm tăng lên.
DN thì kiểm soát được chất lượng sản phẩm tốt hơn việc mua trôi nổi trên thị trường. Có quy hoạch vùng sản phẩm và thuận lợi hơn khi ứng dụng khoa học công nghệ theo quy mô lớn, giúp tăng giá trị sản phẩm và nâng cao lợi nhuận.
Đồng thời, nó được cho là có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Không những đem lại hiệu quả kinh tế lớn mà nó còn góp phần vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi sự liên kết là rất chặt chẽ trong từng khâu sản xuất. Chính vì thế mô hình này đang được các ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy, DN và người dân thấy được lợi ích thì tham gia ngày càng nhiều.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản là giải pháp hữu hiệu và bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm; đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, các chuỗi liên kết giữa DN và nông dân ngày càng nhiều, đã hình thành những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP…
Nhìn nhận được vấn đề này, trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành đã đặt mục tiêu đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại với các tiêu chí an toàn - bền vững - hiệu quả; đồng thời cũng nêu rõ việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn.
Trong đó, DN là lực lượng nòng cốt ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết với người dân. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi phải có nhiều chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, hỗ trợ DN về năng lực tổ chức chuỗi giá trị, đặc biệt hỗ trợ về vốn…
Vì vậy ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị và hiệu quả của chuỗi. Thời gian qua chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn, trong đó có những chính sách khuyến khích phát triển chuỗi liên kết được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai.
Ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình như Quyết định số 1050/QĐ-NHNN quy định về chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP. Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn…
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), các chính sách khuyến khích phát triển mô hình liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao của Chính phủ đã định hướng cho các NHTM mở rộng đầu tư theo hướng tài trợ chuỗi giá trị đối với các mô hình liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Một trong những chính sách đột phá tại Nghị định 55 là các DN, tổ chức đầu mối liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có thể được vay tín chấp lên tới 70-80% giá trị của dự án. Hay trong trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì các đối tượng này được TCTD xem xét cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, xóa nợ...
Để đẩy mạnh dòng vốn vào ngành nông nghiệp, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục các giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp như quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa, chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tín dụng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh…
Nguyễn Minh
(Thời báo Ngân hàng)