Từ năm 2013 Chính phủ đã không thể cân đối được các khoản vay để trả lãi và nợ gốc dẫn đến phải vay nợ mới để trả cho một phần nợ cũ. Cụ thể, năm 2013 vay để đảo nợ là 40.000 tỷ; năm 2014 là 77.000 tỷ, năm 2015 là 125.000 tỷ.
Vay 32 ngàn tỉ, Bộ Tài Chính có trở thành “con nợ khó đòi”?
- Cập nhật : 31/10/2015
(Tin kinh te)
Để bù đắp tiến độ chi và tiến độ trả nợ, Bộ Tài chính phải vay ngân hàng Nhà nước 32 ngàn tỉ. Số nợ này theo luật ngân sách phải trả ngay trong năm 2015.
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: “Trong bối cảnh như hiện nay thì việc trả được 32 ngàn tỉ tạm ứng này là vấn đề rất khó khăn” - Ảnh: Việt Dũng
Tuy nhiên trao đổi với báo chí về tình hình thu chi ngân sách nhà nước 2015, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá: “Trong bối cảnh như hiện nay thì việc trả được 32 ngàn tỉ tạm ứng này là vấn đề rất khó khăn”
Quốc hội có thể phải ra nghị quyết riêng
Đây là khoản vay theo ông Thụ là đã nằm trong kế hoạch vay từ trước và nằm trong quy định của Luật ngân sách.
Tuy nhiên, theo quy định, khoản vay này chỉ là tạm ứng trong năm tài khóa và Bộ Tài Chính phải trả lại cho NHNN trong năm 2015. Trừ trường hợp khác phải do ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Ông Bùi Đức Thụ nói: “Có câu hỏi là liệu Bộ Tài Chính có trả được đúng hạn không? Nếu có nguồn thì mới xử lý được. Nếu không có nguồn thì chắc chắn là phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tìm phương án mới xử lý được”.
Ông Thụ phân tích: “Áp lực điều hành chi ngân sách Nhà nước năm 2015 đang hết sức khó khăn. Nguồn thu có thể vượt hơn 16 ngàn tỷ, nhưng ngân sách trung ương vẫn hụt hơn 31 ngàn tỷ”.
Đến thời điểm hiện nay, ngoài nguồn tiền từ việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp cổ phần được sử dụng một phần là 10 ngàn tỷ thì vẫn còn 21 ngàn tỷ nữa trong số thiếu hụt chưa có nguồn để đáp ứng.
Thứ hai, theo ông Bùi Đức Thụ, do việc giải ngân vốn ODA (50 ngàn tỷ) nhanh hơn ban đầu đến 30 ngàn tỷ.
“Nếu nguồn thu từ đây đến cuối năm không thay đổi được sẽ dẫn tới áp lực tăng chi cho hai nguồn nói trên” - Ông Thụ cho biết.
Vay 3 tỷ USD: không phải “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”
Một vấn đề thu hút dư luận là việc Chính phủ vay 3 tỷ USD thông qua bán trái phiếu ra nước ngoài, ông Bùi Đức Thụ nói: “Có ý kiến cho rằng việc vay 3 tỷ USD này là làm tăng dư nợ công, tăng nghĩa vụ của đời con đời cháu. Điều này có đúng không?
Tôi xin nói việc vay 3 tỷ USD là để đảo nợ, tức là để trả các khoản ngắn hạn. Về bản chất là không làm tăng dư nợ công. Nếu sử dụng 3 tỷ USD này vào việc bổ sung chi mới làm tăng dư nợ công”.
Ông Thụ phân tích mục đích Chính phủ cho phát hành trong năm 2015 - 2016, để đảo nợ với các khoản vay ngắn hạn trong nước. Dư địa vay trong nước đã không còn nhiều và sẽ làm hụt vốn đầu tư. Vay nước ngoài có lợi thế hơn, quy mô dài hơn dự kiến là 10 - 20 năm, lãi suất thấp hơn, huy động thêm được nguồn lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Bùi Đức Thụ cũng thằng thắn nhìn nhận: “Theo luật quản lý nợ công thì không được phép vay nước ngoài để đảo nợ trong nước. Nhưng vì lợi ích của nền kinh tế đất nước tôi đề nghị chấp thuận”.
Theo ông, để có cơ sở cho Chính phủ thực hiện trong khi chưa sửa được luật quản lý nợ công, Quốc hội cần quy định trong nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 mới có cơ sở pháp lý cho chính phủ thực hiện.
Tuy nhiên, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cảnh báo: “Vay nước ngoài cũng có nhiều rủi ro, trong đó biến động về tỷ giá là đáng lo nhất vì vay dài hạn trong 10 - 30 năm. Tất cả điều này phải cân nhắc”.
Theo Tuổi Trẻ Online