Theo đánh giá mới nhất của OECD, mức độ rủi ro kinh tế của Việt Nam vẫn còn đang ngang hàng với các nước châu Phi như Angola, Nigeria, Gabon hay Lesotho.
Tỉnh thành đang “ngốn” nhiều ngân sách trung ương nhất?
- Cập nhật : 01/11/2015
(Tin kinh te)
Ngân sách trung ương đang nhận đóng góp lớn nhất từ TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và phải chi trợ cấp nhiều nhất cho Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang. Khu vực miền núi phía Bắc phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương lớn nhất.
Theo tính toán của The Economist, hiện mỗi người dân Việt Nam đang gánh hơn 1.021 USD/người nợ công, con số này tăng hơn 100% so với năm 2009 (500,41USD/người). Chính phủ có kế hoạch phát hành 3 tỷ USD để “đảo nợ”, vay Ngân hàng Nhà nước, và kiến nghị Quốc hội cho sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc bán vốn Nhà nước để giải quyết một phần hụt thu hơn 31.000 tỷ của ngân sách Trung ương.
Thống kê số liệu quyết toán ngân sách nhà nước cho thấy sau 5 năm (từ năm 2009 – 2013), số chi bổ sung ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương năm 2013 bằng 1,74 lần năm 2009. Loại trừ yếu tố lạm phát sau 5 năm ngân sách trung ương phải chi trợ cấp nhiều hơn cho các địa phương.
Hiện tại, Đông Nam bộ đang là khu vực có tổng thu ngân sách trên địa bàn lớn nhất. Đây cũng là khu vực có 4/6 tỉnh thành phải điều tiết nguồn thu phân chia về ngân sách trung ương. Trong khi đó, đồng bằng sông Hồng là khu vực chi cân đối ngân sách địa phương lớn nhất.
Và, miền núi phía Bắc là khu vực nhận trợ cấp/bổ sung từ ngân sách trung ương lớn nhất. Điều này khá phù hợp về mặt địa kinh tế cũng như phù hợp về vấn đề an ninh quốc phòng của quốc gia.
Xét theo từng địa phương, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Giang là 3 địa phương nhận trợ cấp lớn nhất từ ngân sách trung ương. Năm 2013, ngân sách trung ương phải chi bổ sung cho Thanh Hóa 14.427 tỷ đồng, Nghệ An hơn 10.969 tỷ đồng. 2/3 số chi này là chi bổ sung cân đối ngân sách địa phương.
TP.HCM, địa phương đang dẫn đầu cả nước về thu ngân sách cũng như đóng góp vào ngân sách quốc gia. Tiếp theo sau là Hà Nội và Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ giữ lại ngân sách địa phương đối với nguồn thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thì TP. HCM được giữ lại thấp nhất, tiếp sau là Bình Dương, Hà Nội....Hiện có 13/64 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về trung ương.
Điều gì sẽ xảy ra với ngân sách trung ương khi mà đề nghị được tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố cho thời kỳ ổn định ngân sách mới được thông qua? Các địa phương có thặng dư ngân sách/có điều tiết nguồn thu phân chia liệu có chấp nhận tỷ lệ điều tiết cũ không?
Theo HỒNG QUÂN
BizLIVE