Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, trong đó có đề cập đến những cảnh báo đáng ngại về nợ công của Việt Nam với số nợ đang lên tới 110 tỉ USD.
Tác động của TPP tới thu ngân sách không lớn
- Cập nhật : 31/10/2015
(Tai chinh)
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) khi đánh giá tác động của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP đối với thu NSNN.
Phóng viên: Thưa Viện trưởng, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông nhận định thế nào về môi trường đầu tư khi Việt Nam tham gia TPP?
TS. Nguyễn Viết Lợi: Với việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư và dịch vụ, mở cửa thị trường mua sắm chính phủ, dịch vụ tài chính, TPP sẽ mở ra cơ hội lớn đối với lĩnh vực đầu tư của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng nhanh chóng khi các DN đầu tư vào Việt Nam nhằm tiếp cận được với khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay để tận dụng nguồn gốc xuất xứ và các ưu đãi về thuế quan.
Bên cạnh đó, TPP đặt ra yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng, không phân biệt đối xử, cho phép tự do chuyển tiền liên quan đến đầu tư (trừ các trường hợp ngoại lệ), tự do bổ nhiệm các vị trí quản lý cấp cao mà không quan tâm đến quốc tịch. TPP còn cho phép các nước tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính qua biên giới sang một nước thành viên từ một nhà cung cấp dịch vụ của thành viên TPP khác, mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán dịch vụ của mình. Thực hiện những yêu cầu này sẽ tạo cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn, từ đó sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn nữa.
Ngoài TPP, hiện Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đã kết thúc đàm phán hiệp định Việt Nam - EU và đang xúc tiến đàm phán các hiệp định quan trọng khác như hiệp định thương mại tự do EFTA, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Do vậy, các nhà đầu tư tại Việt Nam còn có thể tiếp cận và hưởng ưu đãi thuế quan từ các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA như khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Về tác động của hiệp định TPP đến chính sách thuế và NSNN của Việt Nam, Viện trưởng có những dự báo ra sao?
Việc cắt giảm thuế quan gần như 100% theo cam kết của TPP sẽ dẫn tới giảm nguồn thu NSNN đối với hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên tác động giảm này không lớn nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến thu NSNN. Trong giai đoạn 2015-2018, phần lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết bước vào giai đoạn cắt giảm thuế và xóa bỏ thuế quan sâu (hiệp định ATIGA, hiệp định ACFTA , hiệp định AKFTA) trong khi đó cơ cấu nhập khẩu của Việt nam chủ yếu là từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhập khẩu của Việt Nam từ các nước TPP chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch nhập khẩu, tuy nhiên trong số 11 nước thành viên TPP, Việt Nam đã ký kết FTA với 6 nước, đồng thời nhập khẩu từ 5 nước còn lại chỉ chiếm khoảng hơn 5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, mức ảnh hưởng tới thu NSNN là không nhiều.
Về tác động tích cực, việc cắt giảm thuế quan trong TPP cũng như trong các FTA sẽ khiến cho hàng hoá nhập khẩu từ các nước đối tác cũng như nền sản xuất trong nước sẽ có đà gia tăng, đồng nghĩa số thu từ thuế GTGT, thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu cũng như hàng hóa sản xuất trong nước cũng tăng theo. Ngoài ra, chi phí sản xuất của DN giảm cũng sẽ tác động tích cực đến nguồn thu từ thuế TNDN.
Theo viện trưởng, để bắt kịp các cơ hội và thách thức của TPP, cơ quan chức năng nên định hướng gì cho DN?
Xét về mặt lý thuyết, TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các DN của các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam. Cơ hội lớn nhất là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với 96% tổng số DN trong nước đang hoạt động là DN nhỏ và siêu nhỏ, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn.
Ngay cả đối với các DNNN, yêu cầu về minh bạch và bình đẳng với DN tư nhân, yêu cầu về mua sắm chính phủ trong TPP cũng khiến cho khu vực này gặp nhiều thách thức. Do đó, để có thể nắm bắt được thời cơ và cơ hội, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và nghiên cứu thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tìm hiểu về TPP cũng như các FTAs nói riêng. DN cũng cần chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm của DN không thể cạnh tranh với các nước khác.
Bên cạnh đó, DN cần phải chủ động trong việc lựa chọn nguyên phụ liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ; đồng thời phải thực hiện tốt các yêu cầu vệ sinh sản phẩm, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật… để đảm bảo mức độ cạnh tranh của hàng hóa. Đặc biệt, DN cần đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề cao. Công nghệ cao là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh, mà vận hành nhà máy công nghệ cao đòi hỏi phải có những người lao động có tay nghề và trình độ cao. Hơn nữa, giữa các DN phải có sự liên kết gắn bó, cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo sự phát triển vượt trội trong cạnh tranh.
Xin cảm ơn Viện trưởng !