Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN khoảng 21% GDP.
Ông Phùng Quốc Hiển: Đừng xem thoái vốn DNNN là “nguồn sống” của ngân sách
- Cập nhật : 03/11/2015
(Tai chinh)
Không nên vội vàng, nếu cứ bán tống bán tháo thì sẽ bị thiệt. Nên ta phải thận trọng, cổ phần hóa chậm sốt ruột nhưng cũng không nên bán rẻ...
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc thoái vốnDNNN hay các tập đoàn không phải là nguồn thu chính của ngân sách. Do đó, để thoái vốn hiệu quả chính DN phải nâng cao được chất lượng, uy tín, minh bạch thì mới thoái vốn hiệu quả.
Thưa ông, trong phiên thảo luận về tình hinh kinh tế - xã hội có nhiều đại biểu lo ngại rằng chúng ta chưa có con người sẵn sàng hội nhập. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Trong hội nhập, giai đoạn đầu có thể chúng ta khó khăn, nhưng chính môi trường hội nhập, cạnh tranh buộc ta phải có thay đổi. Nếu ta lo lắng và không dám ra biển lớn thì ta không thể biết được ta thiếu và yếu cái gì để khắc phục.
Đồng tình với một số đại biểu rằng ta có cơ chế, có định hướng tốt nhưng phải có con người hội nhập. Trong đó, bao gồm cả con người trong hệ thống quản lý; con người là những doanh nhân, doanh nghiệp, cũng phải thay đổi triết lý kinh doanh, tư duy kinh doanh; hay cả nông dân thôi cũng phải thay đổi cách làm, chứ còn như cách làm hiện nay, ta đang tự giết chết chúng ta. Thực tế có nhiều sản phẩm có chất lượng, có giá trị thương hiệu tốt nhưng ta lại đánh mất. Rõ ràng ta phải thay đổi, không chỉ DN, doanh nhân mà cán bộ công chức cũng phải có thay đổi.
Vậy ông đánh giá thế nào về tình hình – kinh tế xã hội mà báo cáo Chính phủ đã đưa ra trong phiên khai mạc Hội thảo?
Tôi cho rằng báo cáo của Chính phủ là khá đúng và sát, thẳng thắn nhìn vào vấn đề. Trong những năm vừa qua nền kinh tế đứng trước thách thức khó khăn lớn, nhưng ta đã tập trung giải quyết được những khó khăn yếu kém, tránh được những tác động của xu thế kinh tế thế giới hiện nay, nhất là sau khi có khủng hoảng tài chính, kinh tế…
Khó khăn nội tại của Việt Nam bắt đầu bộc lộ, nhưng ta đã có giải pháp khắc phục được. Do đó, hai năm gần đây tăng trưởng của ta đã hợp lý và đạt được mục tiêu đặt ra của Quốc hội. Năm 2014 mục tiêu đặt ra là 5,8% nhưng đã đạt 5,98%; năm 2015 đặt ra mục tiêu là 6,2% thì đạt được là 6,5%, đó là điều ấn tượng.
Đặc biệt trong điều hành kinh tế vĩ mô, chỉ tiêu quan trọng là hai năm vừa qua CPI đạt mức thấp, từ chỗ tăng 18,45% giờ xuống chỉ còn 2%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, đồng tiền Việt Nam cũng ổn định, chính sách tiền tệ cũng phù hợp với tình hình chung khi Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ, điều này rất hợp lý. Tỷ giá cũng tương đối ổn định, quản lý vàng và ngoại tệ cũng thuận lợi, tạo niềm tin cho đầu tư nước ngoài. Vì vậy chúng ta thấy tại sao trong năm vừa qua FDI tăng lên.
Song nền kinh tế vẫn đứng trước thách thức. Về chất lượng tăng trưởng bao gồm 4 yếu tố về tiêu dùng, xuất khẩu dòng, đầu tư và chi tiêu Chính phủ, thì đầu tư và chi tiêu Chính phủ đang nổi trội, nhưng tiêu dùng và xuất khẩu dòng thì chưa nổi trội, thể hiện sự chưa bền vững.
Thứ hai là chỉ số cạnh tranh tăng lên, nhưng so với các nước chỉ số cạnh tranh chưa phải là tốt và ta đang đứng trước khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đây là thế mạnh của Việt Nam nhưng bây giờ lại là lĩnh vực mà ta phải khắc phục chứ không phải thế mạnh nữa.
Đặt trong bối cảnh hội nhập, tôi cho rằng phải quyết tâm và kiên trì. Chắc chắn trong trận so găng này thì sẽ không phải là mặc áo giáp như ngày xưa nữa, mà phải so găng bằng chính sức mình thôi. Và chuyện một vài DN “đo ván” là bình thường, nhưng sau đó khắc phục thì sẽ cạnh tranh được. Hội nhập là cơ hội cũng là thách thức.
Nhiều đại biểu băn khoăn về tình hình thoái vốn của tập đoàn, DNNN hiện nay chậm trễ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Thoái vốn DNNN tức là để có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Nhưng thoái vốn cũng phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Những năm qua thoái vốn và cổ phần hóa DNNN khó khăn là do thị trường chứng khoán khó khăn nên không phải dễ dàng người ta mua.
Do đó, để bán được sản phẩm, cổ phần thì phải nâng được thương hiệu, uy tín và chất lượng của DN. Mình có minh bạch và chỉ ra cho thiên hạ thấy tương lai và lợi nhuận thì bán được thôi. Còn nếu cứ “lẹt đẹt” thì khó bán là đương nhiên và hàng ế ẩm ngay.
Song chúng ta cũng không nên vội vàng, nếu cứ bán tống bán tháo thì sẽ bị thiệt. Nên ta phải thận trọng, cổ phần hóa chậm sốt ruột nhưng cũng không nên bán rẻ.
Nhưng liệu quá trình cổ phần hóa, thoái vốn chậm trễ có tạo áp lực lớn đến thu ngân sách?
Áp lực thu ngân sách phải hiểu từ phát triển sản xuất, từ thuế từ các khoản thu khác để làm nguồn thu lâu dài. Còn chuyện bán cổ phần DNNN chỉ là nguồn thu cá biệt, có từng thời gian, thu ngân sách để đầu tư trở lại cho phát triển, chứ đừng lấy chuyện đó làm nguồn sống của ngân sách.
Cần hiểu, thuế, phí và lệ phí là nguồn thu chính của ngân sách chứ không phải bán DNNN là nguồn thu chính của ngân sách.
Xin cảm ơn ông!