Việt Nam đã ký kết FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) gồm 5 nước Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgystan vào cuối tháng 5/2015 vừa qua. Đây là sự kiện quan trọng, tạo ra cơ hội cho các DN Việt Nam được tiếp cận một khu vực thị trường rộng lớn, đông dân và rất nhiều tiềm năng giao thương và hợp tác đầu tư.
“Toyota sẽ không thể rời bỏ một thị trường hấp dẫn như Việt Nam”
- Cập nhật : 09/12/2015
(Kinh doanh)
Đó là khẳng định của ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) tại một hội thảo về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô mới đây.
Sau 20 năm kể từ khi đề ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng như một loạt liên doanh ôtô được cấp phép thành lập, Việt Nam vẫn chưa thể có được một ngành công nghiệp ôtô thực thụ.
Trong khi đó, nhiều “ông lớn” ngành ô tô tại thị trường Việt Nam như Toyota, Ford... vẫn để ngỏ khả năng chuyển hoàn toàn sang nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) nếu các chính sách ban hành không đủ nhanh và đủ mạnh theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nghiệp ôtô phát triển.
Trước đó, tại một cuộc tọa đàm của Bộ Công thương về chính sách đối với ngành công nghiệp ôtô, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng khả năng các hãng ôtô thế giới từ bỏ Việt Nam là rất khó bởi chính tiềm năng của thị trường và bởi những nguồn lợi mà các hãng xe thu được thực tế là không hề nhỏ.
Theo ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải cho biết, Việt Nam đang có dân số 90 triệu người và vài năm nữa sẽ lên đến 100 triệu. Với một thị trường tiềm năng như vậy thì hoàn toàn có thể kỳ vọng làm được công nghiệp ôtô để tiêu thụ trong nước, để xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Còn theo ông Yoshihisa Maruta - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), đồng thời là Tổng giám đốcToyota Việt Nam, đánh giá tiềm năng về một thị trường có dân số 90 triệu người là rất lý tưởng.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng đã từ lâu đưa ra định hướng đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại và công nghiệp ôtô chính là một trong những ngành mũi nhọn. Vậy nên, nếu các điều kiện được hội tụ thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển được công nghiệp ôtô.
Trong khi đó, ông Đào Phan Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cho rằng, với thị trường 100 triệu dân như Việt Nam thì sẽ không có hãng xe nào bỏ cuộc.
“20 năm qua ngành công nghiệp ô tô đang ở đâu? Đây là câu hỏi rất lớn để chúng ta tiếp tục chặng đường sắp tới” – Đại diện VAMI chia sẻ.
Ông Long cho biết, theo Quyết định của Bộ Công thương, VAMI được giao nhiệm vụ phát triển ngành cơ khí cùng với Viện chiến lược, trong đó có phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo ông Long, nếu đánh giá lại thành công hay thất bại, có thể nói sau 20 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại bởi doanh nghiệp FDI không có nội địa hóa, trong khi doanh nghiệp ô tô nội địa không có sản phẩm nào đáng kể, thậm chí đến xe máy cũng thất bại.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, nếu tiếp tục ưu đãi thì cũng chỉ tập trung cho các doanh nghiệp đã làm được công nghiệp ôtô, ưu đãi cho các doanh nghiệp đủ tiềm lực chứ không phải ưu tiên để toàn dân làm ôtô.
“Để thành công, chúng ta phải lựa chọn những sản phẩm phát triển phù hợp. Thị trường ô tô đã có những hãng lớn hàng đầu thế giới chiếm lĩnh. Một quốc gia muốn phát triển cũng phải có những bước đi phù hợp. Nếu chỉ dựa vào thuế hay nội địa hóa để phát triển thì sẽ không ổn” – ông Long cho biết.
Do vậy, ông Long cho rằng, Việt Nam không thể chờ đợi doanh nghiệp FDI nội địa hóa tại thị trường nước mình, mà cẩn đẩy mạnh phát triển ngành ô tô trong nước.
“Toyota sẽ không thể bỏ một thị trường hấp dẫn như Việt Nam. Thị trường với 100 triệu dân là một thị trường lớn và sẽ có nhiều nhà sản xuất khác muốn nhảy vào” – Phó Chủ tịch VAMI khẳng định.