Một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong khu vực, bao gồm Việt Nam cần nguồn tài chính để tăng trưởng và trở thành những công ty năng động và có sức cạnh tranh quốc tế.
Thoái vốn DNNN có hoàn toàn là “điểm cộng” với nền kinh tế?
- Cập nhật : 07/11/2015
(Thoai von)
Nếu làm không tốt thì sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lấy cổ phần của doanh nghiệp nhà nước lớn của Việt Nam, tận dụng lợi thế lao động giá trẻ và chuyển lợi nhuận về nước.
Tại buổi họp công bố bản báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015 của ngân hàng ANZ diễn ra chiều ngày 4/11, trả lời câu hỏi của phóng viên xoay quanh quyết định thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam, ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ cho rằng: Cổ phần hóa, tư nhân hóa luôn là vấn đề mà hầu hết các quốc gia châu Á phải đương đầu, khi họ muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và leo cao hơn trên nấc thang giá trị.
“Việt Nam đang thâm nhập vào một trong những chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới, cùng tương tác với Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Trung Quốc, nhiều tập đoàn đa quốc gia chắc chắn sẽ quan tâm tới cổ phần doanh nghiệp nhà nước để chen chân được vào chuỗi cung ứng quốc tế”.
Tuy nhiên, ông Glenn nhấn mạnh “Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua thị trường nhà đầu tư nội địa tại Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân”.
Theo ông Glenn, nếu chính sách cổ phần hóa được thực hiện một cách thành công, các công ty nước ngoài sẽ mua cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước, mang theo công nghệ, kỹ năng, trình độ sản xuất cao, đào tạo nguồn vốn con người, nâng cao năng suất sản xuất - Tất cả đều là “điểm cộng” với nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu làm không tốt thì sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lấy cổ phần của doanh nghiệp nhà nước lớn của Việt Nam, tận dụng lợi thế lao động giá trẻ và chuyển lợi nhuận về nước.
Không gợi ý chính sách thoái vốn cụ thể mang lại hiệu quả cao cho Việt Nam mà ông Glenn lấy ví dụ cụ thể về việc thoái vốn nhà nước ở Úc vì nước này cũng cổ phần hóa vào thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước.
“Tiến trình thoái vốn ở Úc được Chính phủ tiến hành với những bước đi thận trọng. Họ giữ lại tỷ lệ sở hữu nhà nước tại 51%, sau đó theo dõi quá trình diễn ra dần dần”.
Về mặt tổ chức quản lý, Úc thành lập một hội đồng rà soát về đầu tư nước ngoài, áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất để đảm bảo chắc chắn việc đầu tư của khối ngoại vào doanh nghiệp nội địa mang lại sự phát triển lành mạnh, có tầm nhìn trung hạn cũng như lộ trình đi từ từ.
Ông Glenn kết luận: Nhiều nền kinh tế đã cổ phần hóa DNNN, nhưng bước đầu thận trọng chỉ cổ phần hóa 49%, sau đó sẽ giám sát chặt chẽ, đảm bảo đầu tư của DNNN phải mang lại phát triển lành mạnh. Và bài học “xương máu” của các nước là “nếu cổ phần hóa các ngân hàng lớn ngay từ đầu thì kết quả sẽ rất đau đớn”.