tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giám đốc phân tích SSI: 2018 là thời kì cao điểm IPO và thoái vốn DNNN

  • Cập nhật : 16/11/2017

Bà Hoàng Việt Phương cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể vẫn tăng trưởng mạnh mẽ năm 2018. Tuy nhiên, việc chậm trễ áp dụng tiêu chuẩn Basel II có thể là một yếu tố cản trở tiềm năng tăng trưởng.

Tại sự kiện Daiwa Investment Conference 2017 do Daiwa Securities Group tổ chức, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trình bày về tình hình kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2017 và tiềm năng tăng trưởng năm 2018.

TTCK Việt Nam 10 tháng năm 2017 khởi sắc

Thời gian qua, TTCK Việt Nam có những diễn biến ấn tượng. Tính đến hết tháng 10, VN-Index tăng 25,4% so với thời điểm đầu năm. Kết thúc quý III/2017, vốn hóa thị trường đạt 120 tỷ USD, tăng 40,6% và tương đương 60,8% GDP, mức cao nhất đạt được kể từ khi thị trường mở cửa.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt 199 triệu USD mỗi phiên, tăng 49% so với năm 2016. Các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng với tổng giá trị mua ròng ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 790 triệu USD từ giao dịch trái phiếu và 660 triệu USD từ giao dịch cổ phiếu.

Tổng giá trị danh mục do tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 33,8% so với đầu năm. Sở hữu của cá nhân và tổ chức ngoại ước tính chiếm 19,2% tổng số cổ phần và 5,3% tổng giá trị trái phiếu trên thị trường.

Kết quả khởi sắc của TTCK Việt Nam có được một phần nhờ một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định với sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ những chính sách của Nhà nước.

Trong quý III, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,46% cao hơn so với dự tính của Chính Phủ (7,21%). Theo đó, 9 tháng đầu năm GDP ghi nhận mức tăng trưởng 6,41%, rút ngắn khoảng cách đến mục tiêu 6,7% của cả năm 2017 mà Chính phủ đề ra.

Bên cạnh đó, các chỉ số khác vẫn ở mức tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,79%; lạm phát giữ ở mức trung bình 1,45%, tăng trưởng tín dụng ước tính ở mức 11,02%.

Sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao năm 2018

Với những diễn biến tích cực trong năm 2017, theo bà Phương, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì diễn biến tốt trong năm tiếp theo nhờ sở hữu nhiều yếu tố thúc đẩy.

Điểm đầu tiên làm cơ sở tăng trưởng trong năm tới là việc Việt Nam có thể kiểm soát sự gia tăng của dòng vốn đầu tư tại các khu vực để tối ưu hóa ở mức mong muốn. Tại khu vực đầu tư tư nhân, nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng mạnh mẽ nhờ vào sự hồi phục của lượng cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, lãi suất ổn định và những cải cách loại bỏ trở ngại trong thủ tục hành chính kinh doanh sẽ là những điểm tích cực tác động lên khu vực đầu tư này.

Các chỉ tiêu kinh tế mĩ mô trong 5 năm qua và dự báo 2017-2018

Mặt khác, việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chắc chắn sẽ vẫn được theo dõi và khuyến khích. Vốn FDI đăng ký mới đã tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, ở khu vực đầu tư công, sau khi các rào cản pháp lý được nới lỏng có thể tạo ra một khởi đầu mới tích cực.

Tăng trưởng tín dụng cũng là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tăng trưởng năm 2018. Theo bà Phương, những thay đổi tích cực trong lập trường chính sách tiền tệ sẽ tạo điều kiện cho phép các ngân hàng chuyển đổi cơ cấu vốn vay bằng cách mở rộng các sổ cho vay bán lẻ, mà từ đó thúc đẩy tiêu dùng trong nước phát triển tốt hơn.

Đề cập đến vấn đề IPO và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, bà Phương cho biết năm 2018 sẽ là thời kỳ cao điểm. Theo bà Phương, kế hoạch IPO và thoái vốn doanh nghiệp năm 2017 mà Nhà nước vạch ra khó có thể hoàn thành. Một phần lớn kế hoạch năm 2017 sẽ chuyển sang năm 2018. Trong khi đó, lộ trình thoái vốn đề ra trong 2018 đã rất “nặng”. Năm tới có thể sẽ chứng kiến thời kỳ cao điểm trong việc IPO và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Bảng xếp hạng các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán có sự gia nhập của hàng loạt tên tuổi mới trong năm 2017-2018

Hiện tại, có khoảng 700 doanh nghiệp cổ phần được cổ phần hóa từ các DNNN, nhưng chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong đó, nhiều đơn vị yêu cầu bỏ quy định cần ít nhất 100 cổ đông để trở thành công ty đại chúng. Hiện Bộ Tài chính đang xem xét sửa đổi chính sách mà có thể yêu cầu thậm chí không công khai công ty đăng ký UPCoM.

Nếu luật được sửa đổi, bà Phương dự báo quy mô của thị trường cổ phiếu sẽ có thêm nhiều động lực để mở rộng hơn nữa.

Mặt khác, năm 2017, SCIC dự kiến ​​sẽ bán lại 85 doanh nghiệp (trong khi từ đầu năm đến nay mới thực hiện với 20 doanh nghiệp). Theo đó, áp lực thoái vốn trong quý 4 năm 2017 là cao, và SCIC đang nhắm mục tiêu thoái vốn các bluechips đáng chú ý như VNM, BMP, NTP, DMC, FPT, VCG và SGC trong thời hạn chót.

Vì vậy, vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, nhiều thông tin tiết lộ liên quan đến thoái vốn sẽ liên tục xuất hiện. Trong trường hợp kín room cho nhà đầu tư nước ngoài các doanh nghiệp sẽ tiến hành nới room để cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Một vấn đề khác được bà Phương đề cập tác động tăng trưởng Việt Nam trong năm 2018 là quá trình xử lý nợ xấu theo một cách thực tế. Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sau khi thành lập đã mua lại một số khoản nợ xấu của Ngân hàng.

Bà Phương cho rằng, Nghị quyết 42 sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện nhằm xử lý nợ xấu. Giải quyết nợ xấu là một vấn đề quan trọng, hiện VAMC chỉ có thể mua lại 20% nợ xấu từ năm 2013. Những thành công trong việc xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II tốt hơn, hướng đến mục tiêu duy trì tăng trưởng tín dụng bền vững.

Đối với thị trường chứng khoán, bà Phương cho biết, trong trường hợp tốt nhất Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách đánh giá nâng hạng thị trường vào tháng 6/2019 và sẽ được xem xét nâng hạng thị trường vào năm 2020.

Trong những yếu tố cốt lõi nhằm đánh giá nâng hạng thị trường, Việt Nam đã vượt qua yêu cầu quy mô và tính thanh khoản. Bà Phương cũng chỉ ra năm tiêu chí cần được cải thiện và điều chỉnh về khả năng tiếp cận thị trường bao gồm: mở rộng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới room ngoại); cải thiện những quy định quản lý về giao dịch bằng ngoại hối; loại bỏ các thủ tục hành chính dư thừa; cung cấp các thông tin và tài liệu bằng tiếng Anh; và xác lập lại khuôn khổ thể chế.

Mặc dù có những kỳ vọng lạc quan với tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018, tuy nhiên bà Phương cũng đề cập đến những rủi ro tiềm ẩn trong khi tăng trưởng nóng năm 2017. Theo bà Phương, tăng trưởng cao trong năm 2017 có thể tiềm ẩn mức độ rủi ro tương ứng, đặc biệt là trong bối cảnh cải cách toàn bộ nền kinh tế.

Một thị trường vốn kém phát triển đã đặt quá nhiều áp lực lên nhu cầu tăng trưởng tín dụng, vì các khoản vay ngân hàng là nguồn chính để cấp vốn chi tiêu hoặc mở rộng kinh doanh. Tín dụng/GDP ở tốc độ hiện tại có thể dễ dàng đạt 150% hoặc cao hơn, và việc thực hiện Basel II (đến năm 2020) hoặc không tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có thể cản trở tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.


Phan Tùng
Theo NDH.VN

Trở về

Bài cùng chuyên mục