Nhiều chuyên gia cho rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đem lại lợi ích cho nhiều thành viên, như Việt Nam. Tuy nhiên, tờ Financial Times lại cho rằng các nước cần thận trọng với loại "ưu đãi tiềm năng" này.
Bộ Tài chính vay 30.000 tỉ đồng: Đảo nợ, đi vay mãi thì ai trả?
- Cập nhật : 31/07/2015
(tin kinh te)
Đề xuất của Bộ Tài chính vay 30.000 tỉ đồng và phát hành trái phiếu để đảo nợ tiếp tục gây tranh luận nhiều chiều. Trong khi đó, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang hết sức thận trọng, xem xét đề xuất cho vay 30.000 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Onlinesáng nay 31.7, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bản thân ông muốn nhìn vấn đề một cách bình tĩnh và thận trọng hơn. Bởi thực tế, việc Bộ Tài chính phải đi vay tiền của Ngân hàng Nhà nước cũng là việc hết sức bình thường, thông qua các nghiệp vụ cơ bản của Kho bạc Nhà nước.
“Ngân sách thiếu hụt tạm thời một khoản chi nào đó, thì có thể vay tạm từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả Ngân hàng Nhà nước”. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, các khoản vay như vậy theo ông Kiên cần phải được giải trình một cách cụ thể: Vay để làm gì, thời hạn vay bao lâu, giải ngân 30.000 tỉ trong một lúc hay phân kỳ.
“Nếu vay tạm thời, trong thời hạn 1 năm thì không sao, nhưng nếu vay thời hạn dài, chắc chắn sẽ tác động đến khả năng thanh khoản, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước”, ông Kiên cảnh báo.
Cũng trong sáng nay, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang hết sức thận trọng, xem xét đề xuất cho vay 30.000 tỉ đồng. Nguồn tin này cũng quan ngại việc Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu để đảo nợ, hoặc đi vay tiền cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Vấn đề quan trọng phải tiết giảm chi tiêu, giảm bội chi.
Tiếp tục bình luận về đề xuất này, một chuyên gia tài chính nói: “Chúng ta phải tiếp tục phát hành trái phiếu để đảo nợ, đi vay Ngân hàng Nhà nước bổ sung cho ngân sách đến khi nào? Càng đảo nợ, càng vay thì lãi mẹ đẻ lãi con. Vấn đề cuối cùng là số nợ thật vẫn nằm ở đó, không giải quyết được vấn đề hụt thu, giảm chi, ngân sách cứ bị âm thì người ta mất niềm tin không mua trái phiếu. Rồi nợ đó ai sẽ phải trả?”.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước nói với phóng viên Thanh Niên Online: “Phải thận trọng khi đi vay hay phát hành trái phiếu đảo nợ. Hiện nay trái phiếu kỳ hạn dài phát hành không thành công khiến ngân sách khó khăn, cần phải tập trung tăng tính hấp dẫn, thay đổi cách trả lãi suất. Đồng thời giảm bội chi, tiết kiệm mới có thể tạo sự cân đối bền vững cho ngân sách quốc gia”.