Nợ công Việt Nam: 110 tỷ USD và áp lực trả lãi vay
- Cập nhật : 28/07/2015
(No cong Viet Nam)
Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay có thể từ 6 -6,2%, song Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng cấn đối ngân sách vẫn là vấn đề quan ngại, và chi trả lãi vay nợ công đang lấn át các khoản chi tiêu khác.Ngoài các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh vẫn còn nhiều các khoản nợ tiềm ẩn chưa được thống kê một cách đầy đủ...
Cao nhất 5 năm, nhưng…
Theo báo cáo điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam được WB công bố ngày 20/7, kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua.
Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo công bố báo cáo, chuyên gia của WB nói 6,5% hay thậm chí 5,9% là những con số có thể xảy ra đối với tăng trưởng của Việt Nam năm 2015, nhưng WB dự báo mức 6-6,2% là vì kinh tế toàn cầu vẫn có những rủi ro bất lợi và cải cách mang tính cơ cấu tại Việt Nam còn chậm.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đánh giá Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, lạm phát tiếp tục đi đúng hướng, song quan ngại và áp lực không nhỏ đến từ nợ công.
Báo cáo phát đi từ WB cảnh báo, nợ công Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, tính đến cuối năm 2014 đã lên đến khoảng 2,35 triệu tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD).
Tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh, từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014 và 79,6% trong số này là nợ chính phủ, 19% là nợ được Chính phủ bảo lãnh và khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương.
Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Sau đó, tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm dần do thắt chặt tài khóa.
Nhận định của Ngân hàng Thế giới là nợ tăng do thay đổi cơ cấu nợ, do nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài, Chính phủ chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn.
Báo cáo cũng nêu rõ, mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27-28% GDP trong giai đoạn 2010-2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014.
Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất bình quân gia quyền 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014. Thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu Chính phủ tương đối ngắn 3,1 năm (2013) và 4,8 năm (2014).
Chuyên gia WB cảnh báo: “Điều này có thể phát sinh rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng nợ vay”.
Chi trả lãi vay lấn át khoản chi tiêu khác
Bản báo cáo cũng nêu, Việt Nam đã phát hành trái phiếu quốc tế 10 năm với tổng giá trị 1 tỷ USD (lãi suất 4,8%) vào tháng 11/2014 - lần phát hành ra thị trường quốc tế đầu tiên trong 5 năm.
Phần lớn số thu của đợt phát hành trái phiếu này được sử dụng để tái cơ cấu các khoản vay trước đó.
WB nhìn nhận, chi phí thanh toán nợ có thể tạo thêm gánh nặng lên ngân sách. Nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014.
Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác, báo cáo nêu rõ.
Mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công, dưới góc nhìn của chuyên gia WB, còn đến từ nghĩa vụ nợ tiềm tàng từ doanh nghiệp nhà nước và khu vực. Ngoài các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh được trình bày ở trên vẫn còn nhiều các khoản nợ tiềm ẩn chưa được thống kê một cách đầy đủ.
Các khoản nợ này ước tính có quy mô khá lớn, tính rủi ro cao và có thể đe dọa tới ổn định tài khóa. Mặc dù Chính phủ nhận ra những rủi ro này, nhưng vẫn chủ trương không sử dụng các nguồn lực ngân sách nhà nước để tái cấp vốn các ngân hàng hay tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia WB phân tích.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)