Mặc dù thu ngân sách cao hơn cùng kỳ nhờ tăng mạnh khoản thu từ thuế môi trường, thuế sử dụng đất nông nghiệp…song vẫn không đủ bù chi, khiến ngân sách nhà nước 11 tháng thâm hụt xấp xỉ 155.600 tỷ đồng.
Liên kết vùng Tây Nguyên, ai sẽ làm “cái”?
- Cập nhật : 28/07/2015
(Kinh te Viet Nam)
Gặp người trồng cao su thì họ buồn, gặp người trồng cà phê thì ưu tư. Gặp người trồng cây tiêu thì chúc mừng vì giá cao. Còn cây mắc-ca thì vẫn đang tranh luận
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, đưa ra khái quát như vậy tại hội thảo “Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 24/7 tại Đắc Lắc.
Ông Nam kể, ngoài xã hội đi đâu cũng bàn trồng tiêu thế nào, đất trồng tiêu trước kia có 200-300 triệu đồng/ha giờ lên hơn 1 tỷ đồng. Giờ thì trồng tiêu quanh cây cao su để kiếm tiền. Kể cả năng suất thấp nhất bán đi vẫn có lời. Tất cả cây nông nghiệp xuống giá trừ cây tiêu.
Nhưng ông cũng kể, 10 năm trước, nói về cây cao su thì chỉ nói đến phát triển thế nào vì sự thành công của nó, nhưng nay thì lại trả giá.
“Ngày mai, cây tiêu có thực sự vui như bây giờ? Và liệu 10 năm nữa tiêu lại như cao su bây giờ hay không?”, ông Nam đặt câu nói.
Câu chuyện người nông dân ồ ạt trồng loại cây này rồi chặt hạ để trồng cây khác khi được giá, theo nhiều ý kiến, không phải không có liên quan đến vấn đề quy hoạch vùng.
Theo TS. Hoàng Vũ Quang, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển cà phê, hồ tiêu, cao su (và nông nghiệp Tây Nguyên nói chung) phải đặt trong một không gian sản xuất thống nhất của toàn vùng về quy hoạch vùng sản xuất, chế biến, hạ tầng, xây dựng thương hiệu, chính sách hỗ trợ.
“Các tỉnh có sự hợp tác, phân công trong sản xuất các sản phẩm theo lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá trên phạm vi vùng”, TS. Hoàng Vũ Quang khuyến nghị.
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với Tây Nguyên, trong liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp thì không nên nói chung nữa, mà cần chọn ra sản phẩm chủ lực. Ví dụ cà phê, cao su, tiêu hay đại gia súc? Nên chọn một số sản phẩm để đặt vào chuỗi giá trị thì mới thành công.
Trong chuỗi giá trị đó, ai là “cái”, ai là hạt nhân? Theo ông Hùng, nông dân không thể làm được, hợp tác xã còn lâu mới làm được. Chỉ có doanh nghiệp mới làm được, phải khẳng định như vậy mới làm được. Các thành phần khác là hạt nhân xung quanh.
Bên cạnh đó, ông cũng đặt vấn đề: ai sẽ cầm “cái” trong liên kết vùng?
“Để liên kết chuỗi sản phẩm này, sao không giao cho Ban chỉ đạo Tây Nguyên làm “cái” với 4 sản phẩm chủ lực: cà phê, cao su, tiêu hay đại gia súc, rồi trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách”, ông Hồ Xuân Hùng nói.
“Một số cây mới đang xuất hiện ở Việt Nam, như mắc ca và một số cây con mới nữa. Doanh nghiệp Đài Loan gần đây muốn đưa loại dê đặc biệt vào Tây Nguyên để nuôi. Nhưng vậy chúng ra phải có dự báo cây mới, con mới trong thời gian tới”, ông Hùng nói.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)