(Tin kinh te)
Giá tour quá cao là nguyên nhân chính khiến khách quốc tế đến VN sụt giảm không phanh trong nhiều năm gần đây.
Khách quốc tế đến VN trên đà sụt giảm - Ảnh: N.T.Tâm
Từ tăng 35% xuống còn 0,9%Theo Tổng cục Du lịch, năm 2015 VN đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014. Mức tăng này rất thấp so với những năm trước, cụ thể tăng trưởng năm 2014 đạt 4%, năm 2013 đạt 11%, năm 2012 đạt 14%, năm 2011 đạt 19% còn năm 2010 tới 35%. Số liệu cũng cho thấy, không chỉ sụt giảm, khách quốc tế tới VN có nguy cơ tăng trưởng âm nếu không có chiến lược thu hút khách mới mẻ hơn trong các năm tới. Trong khi VN sụt giảm mạnh thì du khách quốc tế đến các nước trong khu vực vẫn tăng mạnh. Cụ thể, tới Thái Lan tăng 20%, chạm mốc 30 triệu lượt khách vào năm ngoái, dù nước này trải qua một vụ khủng bố gây chấn động ở Bangkok; tới Nhật Bản tăng 47%, đạt 20 triệu lượt. Ở phạm vi rộng hơn, tăng trưởng du lịch toàn cầu năm ngoái đạt 4,4%, chạm mốc kỷ lục 1,18 tỉ lượt khách bất chấp những lo ngại về bất ổn an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới.
Nhiều thị trường khách quan trọng của du lịch VN sụt giảm thê thảm, có thể kể như Úc, Pháp, Nga, Trung Quốc, Na Uy... Một số thị trường khách lớn khác tăng trưởng không đáng kể, gồm Canada, Đan Mạch, Nhật... Những thị trường gần, lượng khách đến VN cũng rất èo uột, như Campuchia giảm 44%, Lào giảm 17%, Philippines giảm 4%, Thái Lan giảm 3%. Chỉ có một vài thị trường khách tăng tương đối khả quan là Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Ý...
Ngành du lịch cho rằng, nguyên nhân chính khiến tổng lượng khách quốc tế đến VN không tăng trưởng khả quan trong thời gian qua là do khách Trung Quốc và khách Nga giảm mạnh. Tuy nhiên, theo nhiều công ty lữ hành trong nước, sự sụt giảm khách ở 2 thị trường này diễn ra đã 2 năm, nhưng ngành du lịch không chủ động chuyển đổi thị trường, tìm kiếm nguồn tiềm năng khác để thay thế, nếu có, cũng "lệch pha". Thay vì đặt trọng tâm tiếp thị vào những thị trường khách gần, thường dễ dàng hơn trong quá trình thu hút, quảng bá, liên kết thì ngành du lịch lại "thích" đi xa khi dồn lực vào những thị trường cần nhiều thời gian và công sức như Ấn Độ và Trung Đông. Chưa kể, với thị trường đầy khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực này, cộng với cơ sở dịch vụ hạ tầng du lịch VN chưa thể đáp ứng một sớm một chiều thì khó trông chờ hiệu quả cao.
Giá tour quá cao
Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore cho rằng, cạnh tranh của du lịch VN đang thật sự đuối sức với các nước trong khu vực, nhất là với Thái Lan, Malaysia, Singapore và thậm chí cả với Campuchia. Nguyên nhân trước tiên, theo ông Tan, đó là do giá tour VN quá cao, mặc dù tiếp thị điểm đến được cải thiện nhờ sự trợ giúp rất lớn của truyền thông quốc tế. Đơn cử, giá tour một khách sạn 4 sao trong cùng một hệ thống quản lý của nước ngoài nằm ở trung tâm thành phố có độ chênh lệch cao giữa VN, Thái Lan và Malaysia. Cụ thể, giá phòng tiêu chuẩn ở Kuala Lumpur (Malaysia) vào khoảng 92 USD/đêm (chưa bao gồm thuế, phí), ở Bangkok (Thái Lan) là 101 USD thì tại TP.HCM lên tới 139 USD (cùng một hệ thống khách sạn). "Giá vé máy bay, vé xe ô tô không giảm tương ứng dù giá dầu giảm sâu; khách sạn có giảm giá nhưng tùy thuộc vào từng chương trình khuyến mãi, hết khuyến mãi giá lại cao; ăn uống đắt hơn Thái Lan; tất cả thắng cảnh đều thu phí cao; phần đông du khách vào VN phải xin thị thực có phí, so với Thái Lan miễn thị thực cho rất nhiều quốc gia”, ông Tan phân tích.
Theo ông Tan, hiện nay chưa có nhiều đường bay thẳng quốc tế tới VN. Ở Đông Nam Á, nước có nhiều đường bay thẳng nhất là Singapore, Thái Lan, Malaysia, vì thế khách quốc tế tới Đông Nam Á phần lớn lựa chọn các điểm đến này rồi mới tới VN. “Tại sao dù Bangkok (Thái Lan) năm ngoái bị khủng bố đánh bom nhưng lượng khách quốc tế đến nước này vẫn không sụt giảm, thậm chí còn tăng? Đơn giản vì giá trị điểm đến đó lớn, có tính cạnh tranh cao. Cùng một chi phí tương đương, hoặc thấp hơn so với VN, nhưng khách quốc tế đến đây hưởng lợi được nhiều hơn. Họ có thể tắm biển, vui chơi giải trí thâu đêm suốt sáng, mua sắm, xem các chương trình nghệ thuật khác nhau, tham quan di tích, thắng cảnh... Với một chai bia khoảng 2 USD, du khách có thể ngồi chơi đến nửa đêm về sáng, trong khi tại các thành phố lớn ở VN, khách nhiều khi chỉ có thể ngồi tới 12 giờ đêm. Vậy thì, có phải đồng tiền họ bỏ ra ít hơn hoặc bằng, nhưng giá trị mà khách được hưởng nhiều hơn? Chắc chắn là vậy”, ông Tan nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, phân tích: Thái Lan tính giá landtour (chi phí mặt đất, bao gồm ăn uống, xe cộ, phí tham quan, hướng dẫn viên...) cho đoàn khách 20 người trong hành trình 5 ngày 4 đêm là 120 USD cho tour có vào trung tâm mua sắm và 170 USD cho tour không vào trung tâm mua sắm. Vị chi khoảng 30 - 40 USD/khách/ngày. Nhưng ở VN, landtour cho chương trình 5 ngày 4 đêm là gấp đôi ở Thái Lan, 340 USD. Trong đó, phòng khách sạn khoảng 17 USD/đêm/người, 2 bữa ăn chừng 15 USD, xe ô tô 10 USD, vé tham quan 10 USD, hướng dẫn viên 10 USD...
Tổng cộng khoảng 60 - 70 USD/khách/ngày, gấp đôi Thái Lan hoặc Campuchia.
“VN đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì nhất thiết phải có giải pháp hỗ trợ ngành này bằng việc giảm thuế, phí. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là ngành du lịch, làm sao chủ động kết nối hệ thống dịch vụ để cùng kéo giảm giá tour nhằm thu hút du khách nước ngoài. Nếu không, sẽ chẳng bao giờ du lịch VN đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Huê phát biểu.
N.Trần Tâm
Theo Thanh Niên