Việt Nam có đầy đủ lợi thế để trở thành một “cường quốc hoa” trên thế giới. Nhưng đáng buồn, ngành sản xuất và xuất khẩu hoa vẫn đang thiếu cơ chế để bứt phá.
Tăng trưởng GDP năm 2016 có thể đạt 6,82%
- Cập nhật : 28/01/2016
(Kinh te)
Việc cải cách có thể đi vào thực chất hơn và những cơ hội từ các hiệp định thương mại sẽ thể giúp GDP Việt Nam đạt mức 6,82% trong năm 2016.
Đó là nhận định được ThS. Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (Ciem) đưa ra trong Hội thảo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015. Đây là mức cao hơn so với chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra là 6,7%.
Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi rõ nét khi tăng dần qua các quý và cao hơn so với cùng kỳ 2014, mặc dù còn thấp hơn giai đoạn 1990 – 2010.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa làm tăng áp lực lạm phát khi kinh tế chưa thực sự thoát khỏi sự suy giảm và động lực tăng trưởng chưa đủ.
Dẫn chứng, khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất song đà phục hồi của công nghiệp chậm lại trong quý IV khi chỉ số PMI thấp trong các tháng 9 – 11. Nông lâm ngư nghiệp cũng tăng trưởng không ổn định và ngành dịch vụ thì thiếu chuyển biến rõ nét.
Xuất khẩu cũng đã không đạt được mục tiêu đề ra khi chỉ tăng 7,9%. Theo ông Dương, mức tăng trưởng xuất khẩu tính theo USD nên cần lưu ý là việc USD lên giá mạnh trong các năm 2014 – 2015.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Ciem cho rằng nhìn bề ngoài các chỉ số kinh tế đều tốt lên nhưng nhìn sâu vào các chỉ tiêu thì lại chưa rõ ràng.
“Nhìn xâu chuỗi các chỉ tiêu như thu chi ngân sách, cách quản lý ngân sách, nợ công, bội chi ngân sách và cách thức bù đắp nợ, tỷ giá, năng lực cạnh tranh thì lại thấy đang rất lung túng về khả năng điều hành kết hợp với nhau” – Viện trưởng Viện Ciem đánh giá.
Tăng trưởng tín dụng mặc dù đạt trên 18% song vấn đề đặt ra là vẫn chưa giảm được lãi suất cho vay và phải dành một phần thanh khoản cho Trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó, tình hình tài khóa căng thẳng hơn trong năm 2015, dẫn tới loay hoay tìm nguồn chi ngân sách và đầu tư phát triển.
Những vấn đề đáng lo ngại của kinh tế năm 2015 được chỉ ra: đó là việc phát hành trái phiếu chính phủ tăng mạnh và xem đây là thành tích.
Nguồn lực từ cổ phần hóa không dùng để tái đầu tư mà dùng để hỗ trợ cho chi ngân sách Nhà nước; khả năng và kế hoạch trả nợ chưa rõ ràng và khu vực tư nhân bị chèn lấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ciem thì việc thực hiện cải cách có thể được thực hiện thực chất hơn từ nửa cuối năm 2016; đầu tư sẽ gia tăng; những cơ hội từ hội nhập kinh tế mang lại cũng sẽ giúp cho GDP Việt Nam năm 2016 có thể dạt mức cao hơn mục tiêu đề ra với 6,82%.
Mặc dù vậy, vẫn còn những bất định từ môi trường chính sách trong nước như chất lượng cải cách, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước; áp lực từ phát hành trái phiếu chính phủ đói với lãi suất và tín dụng cho doanh nghiệp; rủi ro lạm phát…
Do đó, Ciem cho rằng cần tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô một cách thực chất. Trong đó, cần giảm thâm hụt ngân sách, đảm bảo kỷ luật chi, ổn định lạm phát vẫn là ưu tiên cao nhất.
Đồng thời, cần chuẩn bị cho việc thực hiện các hiệp định FTA đã và đang sắp ký kết, tận dụng tốt các cơ hội. Trong đó là sự chuẩn bị về thể chế, tích lũy nguồn lực và năng lực cho doanh nghiệp và cải cách trong nước là điều kiện tiên quyết.
Ngoài ra, cần nâng cao môi trường kinh doanh trên cơ sở tăng cường thực thi Nghị quyết 19; tiến tới xây dựng văn hóa về cạnh tranh bình đẳng; giảm chèn lấn khu vực công với khu vực tư nhân dựa trên xây dựng nền tảng pháp lý và thực thi về quyền tự do kinh doanh.