Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không những bị chèn lấn bởi các khu vực kinh tế khác mà còn chịu áp lực lớn mất tới 40,8% lợi nhuận do đóng các khoản thuế phí.
Ngành viễn thông 2016: Cuộc cách mạng dài hơi bắt đầu
- Cập nhật : 28/01/2016
(Kinh te)
Trong bối cảnh ngành viễn thông đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải cải tiến để tồn tại.
Ngành viễn thông không còn xa lạ gì với những thay đổi mang tính bước ngoặt và 2016 cũng sẽ là một năm như vậy. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động gia tăng đang thúc đẩy tăng trưởng trong ngành viễn thông, đẩy kết nối đường truyền cố định vào cảnh hấp hối. Nhu cầu sử dụng băng rộng di động buộc các hàng viễn thông phải chi tiêu mạnh tay vào hạ tầng và ép chính phủ phải cấp phép cho các thương vụ M&A. Nhu cầu trên cũng thúc đẩy đầu tư và quan tâm về thiết bị kết nối, mà tiếp đó lại mở đường cho sự phát triển của “dữ liệu lớn” (big data) và điện toán đám mây.
Các chính phủ đang ý thức hơn bao giờ hết về sự cần thiết phải phát triển ngành viễn thông và công nghệ thông tin tiên tiến. Thực vậy, tăng trưởng kinh tế và hoạt động khởi nghiệp ngày càng phụ thuộc vào sự phát triển của dịch vụ băng rộng di động. Nhiều thị trường phát triển và đang phát triển đã vạch ra các kế hoạch băng rộng quốc gia hoặc đang thảo luận về chúng trong khi sự phổ cập của dịch vụ thế hệ thứ ba (3G) và sự ra mắt dịch vụ di động tiến hóa dài hạn (LTE 4G) tiếp tục tăng tốc.
Nhu cầu của người tiêu dùng về dịch vụ điện thoại trên Internet, video và âm thanh đang tạo ra áp lực ngày càng lớn lên năng lực không dây trên toàn cầu. Điều này sẽ hiển hiện trong năm 2016 khi người tiêu dùng bổ sung tất cả chức năng của thiết bị mới – bao gồm các thiết bị đeo được vào kho thiết bị điện tử cá nhân của mình trong khi công nghệ “Internet vạn vật” (IoT) thâm nhập sâu hơn vào các lĩnh vực như gia đình và quy hoạch đô thị. Sự tăng tốc nghiên cứu về 5G sẽ là một kết quả của quá trình trên. Nếu may mắn, vào cuối năm nay chúng ta sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn về hình thái của ngành công nghệ này và hiệu suất mà nó có thể mang lại.
Kết nối con người
Trong bối cảnh người tiêu dùng đang ngày càng quen với việc được kết nối mọi lúc mọi nơi, các hãng viễn thông sẽ phải đầu tư mạnh mẽ để khiến họ hài lòng. Một ví dụ điển hình là Vodafone, với chương trình hiện đại hóa “Dự án Mùa Xuân” trị giá 7 tỷ bảng nhằm cải thiện kết nối mạng di động. Gần đây, hãng viễn thông Ấn Độ Bharti Airtel đã tuyên bố triển khai “Dự án Nhảy vọt”, một khoản đầu tư trị giá 9 tỷ USD trong ba năm. Dự án này sẽ nâng cấp mạng Legacy và hàng nghìn trạm cơ sở, xây dựng mạng trong nhà và làm cho đường truyền băng rộng cố định nhanh hơn.
Một mục tiêu khác của các nhà mạng là vươn tới các bộ phận dân số đang phải truy cập Internet không ổn định và đắt đỏ. Mục tiêu cho năm 2020 được vạch ra bởi Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) là kết nối nhiều hộ gia đình hơn và làm cho dịch vụ viễn thông vừa túi tiền với người tiêu dùng hơn. Do đó, các nhà mạng đang nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sử dụng và giảm giá thành truy cập Internet thông qua điện thoại thông minh hoặc kết nối băng rộng truyền thống. Do việc triển khai 3G và 4G tiến triển nhanh chóng và truy cập băng rộng di động đang mở rộng ở các thị trường đang phát triển, tỷ lệ thâm nhập Internet trong năm 2016 được dự báo sẽ lần đầu tiên vượt mốc 50 người dùng trên 100 dân.
Sự chuyển đổi sang nội dung
Hiện có khoảng 47 trên mỗi 100 người trên thế giới không được kết nối Internet. Nhưng các nhà mạng sẽ không tập trung nhiều vào việc tìm khách hàng mới trong năm 2016 mà sẽ vạch ra các kế hoạch cung cấp nội dung phức tạp và hấp dẫn hơn cho các khách hàng hiện tại. Chỉ một điều, họ phải chống lại mối đe dọa từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT như Netflix, WhatsApp, Facebook và Skype.
Các ứng dụng dành riêng cho di động khác sẽ phổ biến hơn trong năm 2016: dịch vụ mobile banking là một ví dụ như vậy, đặc biệt ở các thị trường mà dịch vụ ngân hàng còn kém phát triển.
Một nền Internet vạn vật
Internet vạn vật – mạng lưới các vật dụng được liên kết thông qua kết nối nhúng – đã được ca ngợi là bước ngoạt lớn trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong năm 2016, các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề sẽ ý thức hơn về các ứng dụng tiềm năng của Internet vạn vật khi sự tiến bộ của công nghệ 4G chiếm lĩnh thị trường thiết bị kết nối. Các nhà sản xuất thiết bị sẽ tập trung cải tiến ở lĩnh vực này và có thể thành công. Biên lợi nhuận của điện thoại thông minh đang suy giảm do sự bão hòa và cạnh tranh gay gắt của thị trường.
Công nghệ IoT được nhúng vào một số ứng dụng “ngôi nhà thông minh”, giúp các hộ gia đình tiết kiệm chi phí và nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt hơn. Tích hợp công nghệ IoT vào giao thông đô thị và “ô tô kết nối” sẽ giúp việc quản lý thời gian thực của các hệ thống này hiệu quả hơn.
Nhìn chung, sự gia tăng tỷ lệ sử dụng thiết bị và ứng dụng kết nối sẽ có hai tác động lớn. Thứ nhất, nó sẽ thúc đẩy các lĩnh vực cải tiến mới bằng cách mở rộng phương thức cải thiện các quy trình, nhiệm vụ và máy móc hiện tại của Internet. Thứ hai.và có lẽ quan trọng hơn, việc sử dụng thiết bị kết nối và ứng dụng thông minh sẽ giải phóng cho hàng tỷ điểm dữ liệu tiềm năng, giúp chúng ta thấy được một bức tranh chi tiết về cách người tiêu dùng sử dụng công nghệ kết nối và mở đường cho việc tương tác dễ dàng hơn. Tóm lại, các công ty sẽ chú trọng hơn vào việc tổng hợp “dữ liệu lớn” và phân tích chúng vì lợi ích của mình. Trong quy trình này, vai trò của dịch vụ điện toán đám mây trong việc quản lý các tập dữ liệu lớn và phức tạp sẽ được củng cố.