Giá vàng trong tuần biến động. Tỷ giá trung tâm niêm yết ở mức cao trong tuần. NHNN yêu cầu các NHTM mở lại kênh cho vay ngoại tệ đối với DNXK...
Lãng phí – có tính toán được bao nhiêu tỷ đồng?
- Cập nhật : 29/01/2016
(Kinh te)
“Xin Thủ tướng cho biết năm 2016, Thủ tướng dự kiến chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ đồng trong vấn đề chống lãng phí?” – đây là câu hỏi chất vấn được đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) gửi lên Thủ tướng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII.
Theo đại biểu An, lãng phí “là loại kẻ thù rất khó tiêu diệt, nếu không tiêu diệt sẽ làm cho nước ta đã nghèo lại nghèo thêm, đã nợ lại nợ thêm và khó khăn lại khó khăn thêm”. Bà An muốn biết Chính phủ có giải pháp cụ thể và hữu hiệu nào để thực hiện việc chống lãng phí?
Tại văn bản trả lời đề ngày 22/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tiết kiệm được khẳng định là quốc sách.
Theo đó, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để các quy định của pháp luật về lĩnh vực này thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Căn bệnh" lãng phí vẫn chưa được "chữa trị" đúng mức, mặc dù gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế (Minh họa: Ngọc Diệp)
Theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, những năm qua, mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhưng nhìn chung, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc vi phạm pháp luật gây lãng phí lớn có gắn với yếu tố tham nhũng đã được phát hiện và xử lý.
Chính phủ đã dự thảo chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, trong đó xác định mục tiêu của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là “tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội”.
Dự thảo chương trình quy định rõ những chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong từng lĩnh vực như: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính của nhà nước.
Dự thảo này cũng quy định về việc quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự thảo cũng bổ sung thêm những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này như: phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức, viên chức; gắn kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí với công tác thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng quả quyết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát các cơ chế chính sách có liên quan, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, chế độ đã lạc hậu, sơ hở... để bảo đảm chính sách, chế độ ngày càng chặt chẽ công khai, minh bạch phù hợp với thực tế..., hạn chế tối đa việc lợi dụng gây thất thoát lãng phí.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận xét rằng, do phạm vi, tính chất, hình thức của lãng phí rất đa dạng và ngày càng tinh vi, nên chống lãng phí là việc khó khăn, phức tạp.
Chính vì thế, công tác này đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
“Chính phủ mong muốn cử tri trong cả nước cùng các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, phát hiện, phản ánh để các hành vi vi phạm, lãng phí được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay.
Từng phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: “Chúng ta phải thống nhất là lãng phí là rất lớn, nhưng định lượng được dù cần phải làm nhưng không đơn giản”. Ông cũng chia sẻ, tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Đỗ Văn Đương đã từng hỏi Bộ trưởng một câu hỏi tương tự, nhưng cụ thể hơn, là cho biết thất thoát, lãng phí của các công trình trong nhiệm kỳ vừa rồi cho đến năm 2012 là bao nhiêu, ở địa phương nào.
“Tôi đã nghiêm túc thực hiện, làm công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, nhưng sau 7 tháng đôn đốc thì chỉ có 7 địa phương và 5 tập đoàn lớn kê khai công trình dự án có lãng phí, thất thoát. Con số đó không phản ánh được tất cả”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.