Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo lạm phát sẽ tăng 4-4,5% trong năm nay.
Sử dụng ODA tại Việt Nam còn nhiều góc khuất
- Cập nhật : 11/08/2015
(Tai chinh)
Dự án vừa làm xong đã lạc hậu, sản phẩm không thể cạnh tranh; vốn ưu đãi biến thành nợ xấu... là những góc khuất được các chuyên gia mổ xẻ sau hơn 20 năm Việt Nam nhận ODA.
Cùng với những tồn tại lớn vẫn được cơ quan quản lý nhắc tới, hàng loạt bất cập khác trong sử dụng nguồn viện trợ phát triển chính thức được các chuyên gia nêu lên thẳng thắn tại Hội thảo "Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam", diễn ra ngày 7/8 tại Đà Nẵng.
Là người theo dõi những đồng ODA đầu tiên vào Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài Chính) cho rằng việc sử dụng nguồn vốn này vẫn còn những góc khuất không thể không nói đến.
Lấy ví dụ về dự án trích dầu cám ở Bến Tre hay dây chuyền dệt bao đay ở TP HCM vay ODA Ấn Độ, ông Đô cho biết nhiều trường hợp vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu, không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên sau khi bàn giao, dự án hoàn toàn không vận hành được. Hay trường hợp dự án thủy sản đông lạnh Hạ Long vay ODA Italia không hoạt động được do thiếu nguyên liệu; chương trình phát triển dâu tằm ở Lâm Đồng thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường…
Theo ông Đô, khoảng 2% vốn được trung ương cho vay lại là nợ xấu. "Con số tuy không cao nhưng vẫn là nợ xấu. Các dự án thất bại đều theo cơ chế vay về rồi cho vay lại. Theo cơ chế này, khi dự án không trả được nợ, chúng ta thấy rõ và phải thừa nhận đó là thất bại", ông Đô nói.
Nguyên Cục trưởng cho rằng thất bại lớn nhất là tình trạng lãng phí nguồn vốn do chậm tiến độ, không phát huy được hiệu quả, đầu tư dàn trải… Có dự án đầu tư rồi nhưng khi đưa vào sử dụng không bố trí vốn để duy tu, bảo dưỡng dẫn đến hư hỏng, gây lãng phí.
"Một số cơ quan thụ hưởng ODA ở cả trung ương lẫn địa phương vẫn còn tồn tại nhận thức ODA là tiền cho không, là tiền chùa, coi ODA không hoàn lại, là Chính phủ cho, Chính phủ trả nợ... dẫn đến tình trạng đua nhau làm dự án và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Thêm vào đó là cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thủ tục rườm rà, trong khi công tác chuẩn bị dự án lại rất sơ sài, không lượng được những tác động đến kinh tế xã hội đã cho làm dự án, khâu thẩm định kém", ông Đô nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch thẳng thắn nói: "Chúng ta phải chấm dứt hoàn toàn việc xem ODA là cái gì đó được ban phát rồi chia nhau. Đấy sẽ là cái họa trong thời gian sắp tới".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lịch cũng khẳng định, nợ công không phải từ ODA mà từ vay ngắn hạn trong nước. Điều này khiến Quốc hội đã ra nghị quyết buộc chính phủ cơ cấu lại trái phiếu trung hạn nên dài hạn để giảm áp lực hàng năm."ODA rủi ro lớn nhất là Việt Nam là nước hướng tới xuất khẩu, xu hướng không để đồng bạc tăng giá để khuyến khích xuất khẩu, đồng nghĩa việc rủi ro về tỷ giá thấp hơn, lãi suất thấp nhưng rủi ro là khi đồng tiền vay lên giá thì nợ tăng lên khủng khiếp", ông Lịch nói thêm.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng cần chấm dứt việc xem vốn vay ODA là "được ban phát rồi chia nhau". Ảnh: Nguyễn Đông.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam phải có quy hoạch vốn dài hạn, để không phụ thuộc vào vốn ODA trước thực tế nguồn vốn này không còn được nhận dồi dào như trước. "Đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ phải trở thành nước cung cấp ODA. Bây giờ, những nhà hoạch định chính sách phải nhìn thấy việc dùng nguồn vốn này để xử lý biến đổi khí hậu, thiên tai. Đó mới là trọng tâm cần thu hút và sử dụng vốn cho hiệu quả", ông Doanh nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến giải pháp cần có một cơ quan độc lập giám sát, cũng như minh bạch, công khai vốn vay ODA, khắc phục tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" lâu nay. Trong thời đại Internet, chính cộng động mạng cũng sẽ góp phần cung cấp thông tin, đánh giá ODA về cả mặt tích cực và hạn chế.
Tiến sĩ Võ Đại Lược nói thêm, Việt Nam cần lựa chọn những nguồn vốn ODA có thể mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời phải biết từ chối những khoản vay ít hoặc không mang lại lợi ích. "Chúng ta cũng phải quy hoạch những công trình nào nên dùng ODA, chứ các địa phương khắp nơi đều muốn chia nhau ODA mà không tập trung vào những hạng mục ưu tiên thì không hiệu quả được", vị này nói.
Trả lời câu hỏi Việt Nam có cần vốn ODA nữa không, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Cao Viết Sinh cho rằng, dù ở Việt Nam đã có doanh nghiệp từ chối ODA nhưng nguồn vốn này không phải dĩ nhiên tự tìm đến, hay ép buộc phải vay. Trong vòng 5 năm tới, nước ta cần khoảng 400-450 tỷ đôla để đầu tư phát triển. Do đó, vốn ODA vẫn rất quan trọng với Việt Nam, cần có chiến lược thu hút và sử dụng hiệu quả.