Nghị quyết của Quốc hội đã xác định mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 5% - mức tương đối thấp so với các năm gần đây. Vậy việc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức ±1% lên ±2% có làm mục tiêu này trở nên khó khả thi?
Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Doanh nghiệp Việt “khó thở” hơn
- Cập nhật : 13/08/2015
(Tai chinh)
Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tiếp tục tràn ngập thị trường VN. Nhiều DN trong nước lâu nay phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc nay lại càng thêm khó khăn hơn.
Doanh nghiệp than “khó thở”
Báo cáo của Hiệp hội Cá tra VN, tính riêng năm 2014 Trung Quốc chiếm khoảng 6,5% thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam, nhưng hai tháng đầu năm 2015 đã chiếm trên 8% và dự báo trong năm 2015 có thể vượt 10%.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho hay, mặc dù thị trường Trung Quốc chiếm 7-8% thị phần cá tra xuất khẩu nhưng việc phá giá đồng NDT ít nhiều ảnh hưởng đến kim ngạch và giá trị xuất khẩu của cá tra nói riêng và ngành cá Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, không chỉ lo ngại giá xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm mà nhiều doanh nghiệp còn lo sợ hàng Trung Quốc đã rẻ lại ồ ạt, tràn vào Việt Nam nhiều hơn.
Theo ông Dũng, mặc dù đã cố gắng vượt qua tiêu cực, giảm giá thành nhưng hiện nay, giá đã giảm về mức thấp nhất. Sản lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị giảm nhiều. Hiệp hội cá tra hi vọng Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng, có chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành cá tra xuất khẩu phát triển.
"Đặc biệt, phá giá đồng NDT giúp Trung Quốc xuất khẩu dễ dàng hơn vào Việt Nam, trong khi, nếu tỷ giá của đồng tiền Việt Nam vẫn giữ nguyên như vậy từ giờ đến cuối năm sẽ gây khó khăn lớn cho ngành xuất khẩu cá”, ông Dũng khẳng định.
Đồng chia sẻ, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhiều năm nay Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc rất nhiều, chiếm 50% số thép nhập khẩu. Thép Trung Quốc có ưu thế giá thấp và bây giờ đồng NDT phá giá thì tính cạnh tranh của thép Trung Quốc càng cao, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, hiện nay, phía Trung Quốc đã có nhiều biện pháp"lách luật" như Chính phủ Trung Quốc có chính sách ưu tiên về thuế, trợ giá cho thép chế biến sâu, thép xây dựng. Tính ra thép Trung Quốc được ưu đãi về thuế trên dưới 25%.
Do vậy, ông Sưa cho rằng, doanh nghiệp thép trong nước phải nâng cao chất lượng và giá cạnh tranh. Đồng thời Nhà nước cần sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng trong nước như với sản phẩm tôn mã kẽm, tôn mã màu.
Nâng cao chất lượng, tìm thị trường mới
Trước sức ép nhập siêu tiếp tục trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, nếu chỉ hạn chế bằng các biện pháp đơn thuần thương mại thì không hiệu quả, cần giải quyết triệt để, kể cả đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam.
“Nếu vẫn rơi vào tình trạng nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thầu ở các dự án lớn thì không bao giờ khống chế được nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Vì khi họ có được dự án nào đó thì họ sẽ đưa những vật tư từ thị trường Trung Quốc vào tiêu dùng”, ông Thắng nói.
Ngoài ra, theo chuyên gia Phạm Tất Thắng, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may, giày dép thì cần phải phát triển đồng bộ từ công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, thay thế thị trường nhập khẩu Trung Quốc sang các thị trường khác như Singapore, Malaisia, Canada...
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Trung Quốc phá giá NDT gần 2% là tình hình đặc biệt, có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc.
"Việt Nam cần phải có nỗ lực để kiểm soát tình hình đó bằng việc kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, thay đổi chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước để thu hẹp khoảng cách xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc", ông Doanh nhấn mạnh.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)