Để chuẩn bị dự án Luật Thống kê (sửa đổi) tiếp tục đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội từ ngày 10 đến 19/8, Ủy ban Kinh tế vừa tiến hành tái mổ xẻ dự án luật này để chốt lại những điểm còn vướng mắc.
Mất 10 tỷ USD/năm vì hành chính nhiêu khê
- Cập nhật : 15/08/2015
(Tin kinh te)
Chỉ vì các thủ tục hành chính nhiêu khê với doanh nghiệp mà mỗi năm, Việt Nam mất 10 tỷ USD (trong khi xuất gạo hàng đầu thế giới của nước ta cũng chỉ xấp xỉ 3 tỷ USD). Các chuyên gia kinh tế và đại diện Tổng cục Hải quan đã nói gì về vấn đề này...?
Tọa đàm “Cải cách năng lực cạnh tranh hải quan” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 11/8 đã hé mở nhiều vấn đề liên quan đáng suy ngẫm.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu ở Việt Nam (chuẩn bị tài liệu, thông quan, kiểm tra hải quan, vận tải nội địa, bốc dỡ tại cảng biển và cửa khẩu...) lên tới 21 ngày. Đây là số thời gian thông quan cao gấp 5 lần so với Singapore (4 ngày), gần 3 lần so với Malaysia (8 ngày) và cao gấp gần 2 lần so với Thái Lan (13 ngày).
Cũng theo lãnh đạo CIEM, việc giảm thủ tục hành chính mới chỉ tính trên đơn vị giảm một ngày. Còn nếu hướng tới mục tiêu ASEAN-6, ASEAN-4, Việt Nam còn tiết kiệm được nhiều hơn nữa. Giảm thông quan được 10 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 10 tỷ USD/năm. Tác động này không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước đã làm và GDP của nước họ sau đó tăng trưởng nhờ những cải cách như thế này.
“Thủ tục càng kéo dài, doanh nghiệp càng tốn nhiều chi phí. Trong quá trình này, chi phí cứ đội lên, đội lên qua mỗi khâu. Chi phí tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp càng giảm, sức cạnh tranh của hàng hóa cũng giảm theo. Nếu giảm thông quan chỉ cần một ngày thôi, chúng ta sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế hơn 1 tỷ USD/năm. Vậy sao chúng ta không làm”. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM
TS. Cung cho rằng, nhiều trường hợp, như sửa đổi thông tư, các bộ chỉ cần làm một tháng là xong, không cần phải kéo dài tới vài ba tháng. Bởi vì, việc này thuộc thẩm quyền của các bộ và nghị quyết đã yêu cầu rõ sửa theo hướng nào vì vậy việc sửa đổi hoàn toàn có thể thực hiện nhanh.
“Như Bộ NN&PTNT tại hội thảo mới đây, doanh nghiệp phát hiện ra, chỗ này có vấn đề, các cục của bộ này liền ra văn bản xóa bỏ ngay. Động thái trên được doanh nghiệp rất hoan nghênh”, ông Cung nói.
Tổng cục phó Tổng cục Hải quan, ông Vũ Ngọc Anh cho biết: Hải quan đã rà soát 9/19 Luật, 19/54 nghị định, 126/186 văn bản từ thông tư, văn bản cũng như làm việc với các bộ ngành để chỉ ra văn bản nào cần sửa. Nhiều bộ ngành đã sửa đổi văn bản của họ. Với các thủ tục cần tiếp tục cải thiện; về cơ bản, đang vướng ở kiểm tra chuyên ngành.
“Nhiều bộ chỉ đạo kiên quyết, nhưng do việc xây dựng cải tạo, thay đổi toàn bộ bộ thủ tục hành chính, chuẩn hóa... cần một thời gian nhất định. Không phải bộ nào cũng làm được sớm, đặc biệt như Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế”, ông Ngọc Anh nói.
Lắm quy định “hành” doanh nghiệp
Tác động của thủ tục hành chính đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, theo TS. Nguyễn Đình Cung, là đặc biệt quan trọng. Việc thêm một thủ tục hành chính tưởng như rất nhỏ, như thủ tục mà Bộ Y tế ban hành, sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ bị chậm thời gian giải phóng hàng tại cảng. Ví dụ để thông quan thực phẩm, doanh nghiệp phải làm kiểm dịch thực vật, thực phẩm. Trong khi một chuyến tàu phải mất 1-2 tuần mới có. Chỉ cần thêm thủ tục, chậm thời gian giao hàng, doanh nghiệp có thể phải mất 3 ngày chờ ở cảng. Rõ ràng, nếu với tinh thần phục vụ doanh nghiệp, chúng ta có thể xem lại việc có cần thêm quy định này hay không.
“Như trong quy định về xuất nhập khẩu trong thực phẩm, dự thảo Thông tư 19 của Bộ Y tế mới đây về thủ tục cho thực phẩm nhập khẩu. Việc cấp thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu sẽ được giao về bộ để giải quyết; thay vì để đơn vị trực tiếp kiểm tra cấp như quy định của Luật An toàn thực phẩm hiện hành. Đây dường như là văn bản ngược dòng cải cách. Ở đây là giấy chứng nhận. Theo tôi, không cần phải cấp giấy mà chỉ cần thông báo là đủ. Tôi đưa cho anh, im lặng là đồng ý. Đó là cách tốt nhất quản lý nhà nước trong trường hợp này”, ông Cung cho biết.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam-Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, việc Bộ Y tế đề xuất thêm thủ tục hành chính quy định, cơ quan quản lý sẽ đứng ra làm thủ tục thay vì các đơn vị đo lường, kiểm tra thực hiện như trước đây đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo quy định này, doanh nghiệp sẽ bị mất thêm thời gian khi làm thủ tục thông quan, đồng nghĩa mất thêm chi phí thuê bến bãi, kho cảng, chậm thời gian giao hàng.
“Tôi rất buồn. Làm thế này là lại thêm thủ tục hành chính. Mình phải đào tạo cán bộ thế nào để trực tiếp giải quyết, chứ về bộ lại mất mấy ngày. Đừng nói đến mục tiêu ASEAN-6, ASEAN - 4, riêng cái này đã mắc rồi”, ông Thân nói.
Ông Vũ Ngọc Anh cũng thừa nhận, việc cấp các giấy tờ có thể chỉ cần có những cơ quan đủ trang bị máy móc, chịu trách nhiệm về kết luận của mình là được.