Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cho vay tuần hoàn trở thành vỏ bọc hợp pháp cho sự đảo nợ, che giấu nợ xấu, giảm trích lập dự phòng rủi ro, tạo tình trạng lãi ảo, chính vì thế mà NHNN mới có công văn chấm dứt việc cho vay tuần hoàn này.
Được lợi gì từ nguồn vốn vay ODA?
- Cập nhật : 29/07/2015
(Tin Tai chinh)
Thời gian gần đây, vấn đề nguồn vốn ODA đang được dư luận quan tâm, đặc biệt trong kỳ họp Quốc hội vừa qua có hai luồng quan điểm trái chiều. Một luồng cho rằng ODA chỉ tạo thêm gánh nặng nợ công đang chồng chất. Luồng thứ hai thì ngược lại, khẳng định ODA là rất cần thiết.
Để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này báo DĐDN có cuộc trao đổi với ông MORI Mutsuya – Trưởng Đại diện JICA Việt Nam.
– Hiện nay, có một số ý kiến quan ngại rằng các khoản vốn vay ODA của VN sẽ đem lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ tương lai, đặc biệt là khi xét tới sự suy giảm các khoản vốn vay ODA ưu đãi (khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình). Với góc độ là Nhà tài trợ, ông có thể cho biết quan điểm của mình về vai trò của ODA đối với Việt Nam?
Khi Việt Nam đạt được mức độ phát triển kinh tế xã hội cao hơn, vai trò của ODA cũng nên thay đổi theo. Khi nối lại ODA cho Việt Nam vào năm 1992, Nhật Bản bắt đầu bằng việc hỗ trợ tái thiết và nâng cấp các công trình hạ tầng chính như Quốc lộ cao tốc 1 và 5 cũng như các nhà máy nhiệt điện nhằm tạo cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững. Sau hai thập kỷ với những bước tiến đáng kể, Việt Nam đã đạt được trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. JICA đã và đang chuyển dần sang hỗ trợ phát triển các hạng mục hạ tầng chiến lược đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao và những hỗ trợ mềm như cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân và phát triển thị trường tài chính để hỗ trợ chính sách của Chính phủ là Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Vay nước ngoài (bao gồm cả ODA) đôi khi bị chỉ trích là nhân tố chính dẫn đến sự gia tăng nợ công nhanh chóng. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ trong nước đã tăng hơn 150% trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2014 trong khi nợ nước ngoài tăng 76% cùng kỳ. Nhân tố chính dẫn đến việc nợ trong nước tăng nhanh là việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Dư nợ vay ODA Nhật Bản tăng từ 9.139 triệu USD năm 2010 lên 11.849 triệu USD năm 2014, tuy nhiên tỷ trọng vốn vay ODA Nhật Bản trong tổng nợ công giảm từ 16% năm 2010 xuống 11% năm 2014. Chính vì vậy, ý kiến cho rằng ODA là yếu tố chính làm tăng nợ công là không chính xác.
Việt Nam tiếp nhận ODA từ nhiều nguồn như WB, ADB, từ các nước phát triển, trong đó nhiều nhất là từ Nhật Bản. Các dự án sử dụng nguồn vốn này không được thực hiện đấu thầu quốc tế mà chỉ đấu thầu nội bộ. |
Ngoài ra, mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2010 nhưng lãi suất của các khoản vay ODA Nhật Bản đối với xây dựng cơ sở hạ tầng chỉ là 0,1-1,4%. Đối với lĩnh vực môi trường, xây dựng bệnh viện và trường đại học, lãi suất có thể giảm xuống chỉ là 0,3%. Thời hạn trả nợ dài nhất lên tới 40 năm, bao gồm 10 năm ân hạn, cũng là một điều kiện rất ưu đãi. Mặt khác, trái phiếu Chính phủ có lãi suất thấp nhất là khoảng 5%, tương đối cao so với lãi suất của các khoản vay ODA Nhật Bản và kỳ hạn trả nợ trung bình thường ngắn hơn 5 năm. Trái phiếu Chính phủ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và khiến tình hình ngân sách trở nên căng thẳng hơn. Chúng tôi hy vọng rằng, sẽ có các cuộc thảo luận toàn diện và đầy đủ hơn về sự cần thiết của việc tái cơ cấu nợ Chính phủ bằng cách sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.
– Có nhiều ý kiến cho rằng, trong tất cả các dự án vay vốn ODA, người cấp vốn được quyền thông qua tư vấn thiết kế để quyết định quy mô, công năng, kết cấu, công nghệ thi công, bao gồm cả việc cung ứng vật tư, thiết bị cho công trình…Như vậy, người cấp vốn nắm giữ toàn quyền việc định đoạt giá cả dự án. Giá các công trình sử dụng ODA cao ngất ngưởng đã tạo nên trần về suất đầu tư. Dựa vào đó, các dự án BT, BOT cùng loại đã có cơ hội “té nước theo mưa”, triển khai không theo đấu thầu cạnh tranh mà chủ yếu lại do các nhà đầu tư tự lựa chọn, tự đề xuất, thì làm sao giá công trình có thể đưa được về giá trị thực của nó. Ông có bình luận gì về sự bất hợp lý này?
Trước hết, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Nhật Bản tôn trọng quyết định của nước nhận viện trợ về việc có áp dụng các khoản vay kèm các điều khoản ràng buộc hay không. Vốn vay ODA Nhật Bản ràng buộc được gọi là “Điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế” (Special Terms for Economic Partnership – STEP). Hình thức này áp dụng cho các dự án cần tận dụng một cách đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản dựa trên yêu cầu của nước nhận viện trợ về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ vượt trội của Nhật Bản. Điều kiện chính của khoản vay STEP là: (1) nhà thầu chính sẽ là các công ty Nhật hoặc liên doanh giữa công ty Nhật và Công ty Việt Nam, (2) không dưới 30% hàng hóa sẽ có xuất xứ từ Nhật Bản.
Như đã đề cập ở trên, các khoản vay STEP chỉ được dành cho các dự án có yêu cầu công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản. Trong tổng số vốn vay đã cam kết từ năm 2010 đến 2014, tỷ trọng của các khoản vay STEP chỉ vào khoảng 40% và 60% số vốn vay còn lại được cung cấp mà không có bất kỳ hạn chế gì về quốc tịch nhà thầu hay nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chúng tôi đề nghị quý vị xác nhận tỷ lệ vốn vay ràng buộc của các nhà tài trợ khác để hiểu được tính mở và công bằng của ODA Nhật Bản.
Về ưu điểm của các khoản vay STEP, trước hết, hình thức này đưa ra điều kiện rất ưu đãi. Lãi suất của khoản vay STEP chỉ là 0,1% và thời gian trả nợ là 40 năm bao gồm 10 năm ân hạn. Chi phí tài chính của các chủ dự án sẽ giảm đáng kể so với việc sử dụng các nguồn tài chính khác. Thứ hai, vì STEP cho phép thực hiện các hợp đồng với liên doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng các cơ hội kinh doanh của mình thông qua các liên doanh Việt Nam – Nhật Bản. Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, việc chuyển giao các công nghệ Nhật Bản sẽ được tiến hành thông qua liên doanh, góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật và năng lực quản lý xây dựng của các doanh nghiệp Việt Nam.
–Như vậy các DN VN có cơ hội thực hiện các dự án ODA Nhật Bản tại Việt Nam và nếu có, thông qua cách thức nào?
Có. Với các khoản vay theo điều kiện thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đấu thầu và thực hiện hợp đồng với tư cách là nhà thầu chính và/hoặc nhà thầu phụ. Với các dự án áp dụng hình thức STEP, như đã giải thích ở trên, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tham gia thực hiện hợp đồng với tư cách là thành viên của liên doanh Việt Nam – Nhật Bản hoặc nhà thầu phụ. Theo số liệu của JICA, giá trị các hợp đồng được thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ các dự án vốn vay ODA Nhật Bản đang tăng đều đặn theo từng năm, từ 31,2 tỷ Yên năm 2010 đến 73,5 tỷ Yên trong năm 2014. Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc Nam (đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi ) (CIENCO 1), Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc Nam (Đoạn Tp Hồ Chí Minh – Dầu Giây) (CIENCO 4), Dự án Nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Taisei và VINACONEX) và Dự án Xây dựng Cảng Lạch Huyện (xây dựng đường và cầu) (Sumitomo Mitsui và CIENCO4, Trường Sơn) là những ví dụ về các hợp đồng lớn được thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, vốn vay ODA Nhật Bản có tính mở nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam so với các khoản vay của các đối tác phát triển khác. Xin đuợc chia sẻ rằng, JICA công khai thông tin về nhà thầu của các hợp đồng có giá trị trên 100 triệu Yên Nhật trong báo cáo thường niên của mình.
–Ông có thể cho biết các DN cần đáp ứng điều kiện như thế nào để có thể tham gia vào các dự án ODA Nhật Bản?
Việc đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ được tài trợ bởi các khoản vay ODA Nhật Bản sẽ phải tuân thủ Hướng dẫn Đấu thầu áp dụng cho các Dự án vốn vay ODA Nhật Bản. Các nguyên tắc cơ bản của đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ là đảm bảo tính kinh tế, hiệu suất, công bằng và minh bạch. Các tiêu chí đấu thầu cho mỗi dự án/gói thầu được lập dựa trên quy mô thực tế, tính phức tạp, phương pháp/công nghệ hoặc các đặc điểm khác của dự án/gói thầu và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nói trên. Với kinh nghiệm và năng lực đã được nâng cao của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thực hiện các dự án được tài trợ bởi vốn vay ODA Nhật Bản cho đến nay, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm đương và thực hiện nhiều dự án phức tạp hơn.
–Để tiếp cận và sử dụng ODA hiệu quả hơn, theo ông Việt Nam cần cải thiện điều gì?
Liên quan đến vấn đề gia tăng nợ công, sự cần thiết phải sử dụng ODA hiệu quả đã và đang được thảo luận sâu sắc. JICA rất hoan nghênh những sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và hy vọng rằng Chính phủ sẽ có được một hệ thống phân bổ ngân sách có hiệu suất cao và thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công bao gồm cả các dự án ODA. Để lập được một Kế hoạch đầu tư công trung hạn vận hành tốt, ngoài việc xây dựng một kế hoạch đầu tư phù hợp thì kế hoạch trả nợ các khoản vay cho mỗi dự án đầu tư công và cải thiện chi tiêu thường xuyên cũng cần được chú trọng.
JICA đang chuẩn bị thành lập hệ thống giám sát dự án trên Web để theo dõi tiến độ đấu thầu của các gói thầu và tình hình thực hiện tất cả các dự án vốn vay ODA Nhật Bản. Bước tiếp theo, JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư trong việc nâng cấp chương trình này để áp dụng cho tất cả các dự án đầu tư công tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch.
–Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Minhthực hiện!