tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp nhà nước tách dần “bầu sữa mẹ”

  • Cập nhật : 16/03/2016

(Tin kinh te)

Các khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ hứa hẹn sẽ trở thành hình thức cấp vốn được nhân rộng trong thời gian tới, trước bối cảnh DNNN buộc phải tách dần khỏi “bầu sữa” ngân sách.

Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính, đã đề xuất tài trợ dưới hình thức này tại cuộc hội thảo hỗ trợ kỹ thuật cho các DNNN Việt Nam, tổ chức ngày 15/3.

Cùng với khuyến nghị đẩy mạnh hình thức cho vay khá mới mẻ này, AFD cũng nêu ra những điểm cần lưu ý khi cấp và triển khai các khoản vay.

dnnn duoc quyen tu vay tu tra nhung phai chiu trach nhiem tra no

DNNN được quyền tự vay tự trả nhưng phải chịu trách nhiệm trả nợ

Giảm áp lực với nợ công

Ông Rémi Genevey, Giám đốc AFD Việt Nam cho biết, lợi ích lớn nhất mà hình thức cho vay không có bảo lãnh của Chính phủ mang lại chính là giảm mối đe dọa với nợ công vốn đang tăng nhanh tại Việt Nam. Bởi nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn không ngừng tăng lên, trong khi việc tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn trong nước lại chưa hết khó khăn. Trong khi đó, các khoản vay nợ nước ngoài của DN hiện nay chủ yếu phải có bảo lãnh của Chính phủ lại là nguy cơ lớn đối với nợ công.

AFD khuyến cáo, khi Nhà nước không còn giữ vai trò độc quyền trong thực hiện chính sách công, nhu cầu huy động tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau của DN tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên. Do đó đây là lúc cần đẩy mạnh phát huy tự chủ tài chính của các DNNN theo hướng tự vay tự trả.

AFD với vai trò là tổ chức cung cấp vốn, đồng thời cũng sẽ phân tích rủi ro tín dụng cũng như năng lực trả nợ của các DNNN. Ông khẳng định, DN là đối tượng duy nhất có trách nhiệm trả các khoản nợ này. Đồng thời AFD với vai trò tương tự một NH phát triển sẽ xử lý các khoản tài trợ cho DNNN như các khoản vay dành cho DN tư nhân.

Giám đốc AFD Việt Nam chia sẻ, mục tiêu mà tổ chức này hướng tới là hỗ trợ các DNNN ngày càng tự chủ hơn, nâng cao năng lực quản trị tiệm cận hơn với chuẩn quốc tế.

Ông nhấn mạnh, nguồn vốn của AFD sẽ tập trung vào các dự án không thể tìm được đầy đủ nguồn vốn từ thị trường. Do đó có tác dụng làm đòn bẩy tài chính, bổ sung nguồn vốn mang tính hỗ trợ, và không cạnh tranh trực tiếp với các NHTM. Các lĩnh vực được ưu tiên xoay quanh phát triển đô thị bền vững, hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất để tăng cường trách nhiệm về xã hội và môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Với nguyên tắc bổ trợ như vậy, các khoản vay của AFD sẽ có kỳ hạn dài hơn (tối đa là 20 năm), khả năng hỗ trợ các dự án dài hạn hơn khi dự án đã đạt ngưỡng cho vay tín dụng. Tổ chức này cũng sẽ tạo điều kiện ở mức tối đa để vòng đời các khoản vay đủ dài nhằm khai thác tiếp các khoản tài trợ khác. Ngoài ra điều khoản ưu đãi của mỗi khoản vay cũng sẽ được cân nhắc và tính toán tuỳ tác động môi trường, xã hội của dự án.

AFD khẳng định, chiến lược tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng của tổ chức này là hỗ trợ cho sự tăng trưởng bền vững, nỗ lực tăng cường hiệu suất môi trường và xã hội.

DN phải tự chứng minh uy tín

Trình bày về các quy định pháp luật của Việt Nam áp dụng cho tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, văn bản pháp quy điều chỉnh cho hình thức này đã có đầy đủ. Trong đó đặc biệt quan trọng là Luật DN, Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, đã khẳng định các DN sử dụng vốn Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ không được Nhà nước hỗ trợ. Các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng khẳng định cho phép các DN có vốn Nhà nước được quyền tự vay tự trả nhưng phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, phương thức đánh giá quản trị rủi ro đối với hình thức cho vay này cũng giống như các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, hay các khoản vay qua hệ thống NH. Theo đó DN sẽ được đánh giá tình hình tài chính, dòng tiền 3 năm vừa qua, phương án 10 năm tiếp theo, đồng thời cơ quan cho vay và cơ quan chủ quản thường xuyên kiểm tra tình hình giải ngân vốn.

“Chúng tôi không quan trọng vấn đề trả nợ, mà quan trọng là DN phải đổi mới quản trị để đảm bảo hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Còn nếu một dự án vay xong có thể trả nợ hiệu quả mà toàn bộ hoạt động của DN không được cải thiện thì cũng không phải điều chúng tôi mong muốn”, ông Tiến quả quyết.

Tuy nhiên Bộ Tài chính cũng lưu ý, dù đây là nguồn vốn AFD hỗ trợ nhưng cơ chế vay sẽ theo thị trường. Đây là cơ hội để khi tham gia các FTA, DN có thể mở rộng và tiếp cận nguồn vốn bên ngoài, như vậy uy tín DN sẽ vươn ra các khu vực khác. Việc này tạo điều kiện để DN tự phát triển mà không cần hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Thực tế đây là một trong những hướng tiếp cận vốn mà AFD đã đề xuất cho Việt Nam từ lâu nhưng các DN rất ngại phải chịu rủi ro, luôn muốn có Nhà nước đứng đằng sau. Bởi khi Nhà nước can thiệp thì bao giờ cũng thêm ưu đãi, giảm bớt điều kiện vay.

“Tóm lại hiện nay DN đang dựa vào uy tín đất nước để đi vay, còn tới đây các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm sẽ đến với các DN. DN càng chứng tỏ được uy tín thì lãi suất càng càng thấp”, ông Tiến gửi thông điệp tới các DN.
 

Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục