tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

PPP có thể giải quyết 70% nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh

  • Cập nhật : 30/10/2015

(Thuong mai)

Để đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng xanh của Việt Nam, thu hút vốn tư nhân theo hình thức Đối tác công-tư (PPP) có thể là một trong những cách giải quyết hiệu quả 70% vốn trong 30 tỷ USD vốn đầu tư dành cho Chiến lược tăng trưởng xanh.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá là mô hình phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng dựa chủ yếu vào tăng vốn, vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ, dựa vào gia công, lắp ráp, vì thế mới chỉ dừng ở xuất khẩu thô, xuất khẩu tài nguyên và dựa vào kinh tế nhà nước.

Do vậy, đứng trước những yêu cầu cấp bách từ nội tại nền kinh tế, mô hình tăng trưởng hiện tại của đất nước cần phải có sự điều chỉnh, phải tìm kiếm mô hình hoặc một phương thức phát triển mới. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia phát triển đi sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững thì cần phải hướng tới một nền kinh tế xanh là điều hoàn toàn hợp lý.

Tại Hội thảo “Thực thị chính sách tăng trưởng xanh - So sánh tại Hoa Kỳ và Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 21/10, GS. Ingle Marcus (Đại học Portland State - PSU) cho biết, trong thế kỷ 21, Hoa Kỳ và Việt Nam đều phải đối mặt với những thách thức về chính sách ngày càng tăng, bao gồm biến đổi khí hậu, thiên tai và xói mòn; Công nghiệp hóa và ô nhiễm (không khí và nước); Dân số tăng nhanh…

Trước vấn đề này, tại Portland, Metro và Oregon (Hoa Kỳ) đã thực hiện chính sách đổi mới để phát triển xanh. Năm 1973, Thống đốc và quốc hội thông qua quy định để bảo vệ đất nông nghiệp và đất rừng, trong đó các thành phố phải lập kế hoạch đất và nguồn lực môi trường và các kế hoạch này là chỉ dẫn cho mọi phát triển. Bang Oregon đã thông qua 19 mục tiêu phát triển bền vững tổng quát và kế hoạch của Chính quyền địa phương phải gắn với những mục tiêu này.

Trên thế giới, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực được coi là dễ bị tổn thương nhất trước các biến cố về môi trường. Do đó, năm 2005, UNESCAP đã đề xuất mô hình tăng trưởng xanh nhằm giúp khu vực này hướng tới sự hoà hợp giữa hai nhu cầu “tăng trưởng kinh tế” và “bền vững về môi trường”.

Do đó, tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế cacbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển KT-XH.

Không năm ngoài xu hướng này, Việt Nam đã đưa tăng trưởng xanh từ chiến lược thành động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững, với mục tiêu cụ thể là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo bà Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù còn cần hoàn thiện khung chính sách nhưng Việt Nam đã sẵn sàng chuyển từ chính sách sang thực hiện với việc bổ sung nội dung biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào Luật Bảo vệ môi trường 2014 và 1 số quy định liên quan khác.

Bà Mai cho biết, ngày càng nhiều đối tác phát triển tham gia Liên minh Xanh với Việt Nam như UNDP, KOICA, GIZ, Belgium, EU, ADB, USAID, World Bank và gần đây là GCF.

Việt Nam cũng đang phải đối diện cơ hội và thách thức trong tăng trưởng xanh đó là cần tới 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh vào năm 2020, trong đó 70% sẽ từ khu vực ngoài nhà nước và cần 2-6% GDP để khôi phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo bà Mai, khó khăn hiện nay của Việt Nam là thiếu chính sách để huy động nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ Khí hậu Quốc tế và khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, do đó cần tăng cường chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp là rất lớn, nhưng đầu tư công cần xúc tác và thu hút nguồn lực tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân cả với hình thức PPP cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

(Theo Tạp chí Tài Chính)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục