tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2016

  • Cập nhật : 15/01/2016

(Kinh te)

Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính thuế theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ sẽ tập trung vào 3 nhóm chỉ tiêu mới là kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 36a/NQ-CP là tổ chức triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế; tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng; nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN.

Với những yêu cầu đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử, phấn đấu tiến tới đạt 90% về cả 3 chỉ tiêu; triển khai thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoàn thuế điện tử, giám sát chặt chẽ tình hình hoàn thuế, hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp; triển khai áp dụng quản lý rủi ro đầy đủ, hiệu quả trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan theo các quy định của Luật Hải quan.

Tổng cục Hải quan sẽ duy trì vận hành Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thanh toán điện tử, các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia ổn định, an toàn 24/7

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực thông quan, quản lý thu thuế, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu; thực hiện tốt Quyết định số 2026/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hang hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015 Bộ đã chỉ đạo sửa đổi và bãi bỏ nhiều thủ tục kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp giúp giảm trên 30 giờ cho người nộp thuế. Cùng với việc sửa đổi cơ chế, chính sách, trong năm 2015 cơ quan Thuế đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuế tập trung cho các Cục Thuế; đồng thời mở rộng áp dụng nộp thuế điện tử trên phạm vi cả nước, giải pháp này giảm được trên 10 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp.

Như vậy, với các giải pháp đã triển khai thực hiện nêu trên, số giờ nộp thuế giảm tiếp được khoảng trên 50 giờ (năm 2014 đã giảm được 370 giờ); do đó, sẽ đạt và vượt được mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế đối với người nộp thuế xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.

Cùng với đó, trong năm 2015 Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, theo đó đã có 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% Cục Hải quan và 100% Chi cục; chiếm 99,56% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan qua VNACCS/VCIS. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 285,6 tỷ USD, tổng số tờ khai xuất nhập khẩu đạt 7,21 triệu tờ.

Như vậy, sau hơn 1 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, Hệ thống VNACCS/VCIS đã chứng tỏ tính ưu việt, mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và công tác quản lý nhà nước về hải quan; rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, giảm thiểu giấy tờ trong bộ hồ sơ làm thủ tục hải quan nhờ việc sử dụng chữ ký số, tiết kiệm chi phí...

Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành đầu tiên trên cả nước tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Đây là giải pháp quan trọng để cải cách, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành, rõ nhất là thời gian chuyển đăng ký gốc giảm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày; thời gian lấy mẫu và nhận kết quả kiểm tra từ cơ quan quản lý chuyên ngành giảm từ 10 đến 15 ngày xuống còn 7 hoặc 10 ngày...

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục