Để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đạt hiệu quả cao thì tự bản thân họ phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong vấn đề hợp tác và liên kết. Sự trợ giúp từ Chính phủ chỉ mang tính định hướng chứ doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ Nhà nước.
Bính Thân: Cuộc đổ bộ của những đại gia ngoại
- Cập nhật : 07/02/2016
(Tin kinh te)
Chúng ta đang có cơ hội thu hút được các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng điều quan trọng là cần đủ khôn ngoan để biết chọn lọc những dự án có chất lượng tri thức và thân thiện với môi trường.
Nhưng, nhiều khả năng kỷ lục này sẽ bị phá vỡ trong năm Bính Thân, khi hàng loạt các hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được Việt Nam ký kết và có hiệu lực, cùng với đó là sự ấm lên của kinh tế toàn cầu.
Hấp lực của các FTA
Đến tháng Giêng năm 2016, Việt Nam đã tham gia/ký kết 12 FTA, trong đó có 9 là hiệp định đa phương và 3 là hiệp định song phương. Với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào 31/12/2015, có thể nói, quá trình khu vực hóa ở khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới đã bước lên một tầm cao mới. Việt Nam sẽ nhanh chóng bị cuốn vào cơn lốc phát triển đó, khi cả 10 quốc gia cùng ngồi chung một đoàn tàu.
Khu vực AEC có đặc điểm là một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua tự do hóa ở 5 lĩnh vực: Tự do lưu chuyển hàng hoá; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
Đáng chú ý trong đó là tự do lưu chuyển đầu tư và tự do lưu chuyển vốn. Trong AEC, Singapore vừa là nước phát triển vừa là trung tâm tài chính thương mại của khu vực và thế giới. Nơi đây có hệ thống các ngân hàng lớn, như một đầu mối kết nối hệ thống mạch máu tài chính toàn cầu. Với lãi suất liên ngân hàng Sibor (Singapore Interbank Offered Rate) - bản sao từ bản chính của ngân hàng này ở Anh - mấy năm gần đây vẫn duy trì ở mức dưới 2%/năm.
So với lãi suất của các ngân hàng thương mại Việt Nam, rõ ràng đây là thị trường cực kỳ hấp dẫn để tiền có thể đẻ ra tiền. Sự sinh lợi của đồng vốn với tốc độ xấp xỉ 10%/năm được coi là vô cùng hấp dẫn để thu hút các dòng vốn đầu tư đổ về.
Với việc tham gia 12 Hiệp định FTA vừa song phương và đa phương, cùng với đó là một số hiệp định khác đang đàm phán và chuẩn bị ký kết, môi trường đầu tư của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Hơn thế, các nhà đầu tư có thể đặt niềm tin bởi, các hiệp định đó bao gồm cả một hệ thống điều luật bảo hộ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và họ được tôn trọng như ở chính quốc.
Niềm tin đó được chứng minh bằng việc, ngay những ngày đầu năm, chiều 6/1/2016, tỉnh Bắc Ninh đã đón dự án FDI đầu tiên. Đó là dự án Nhà máy may của Công ty TNHH Maple (Singapore), với vốn đầu tư 110 triệu USD, sản xuất 22 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động đầu 2018 - năm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Nhiều dự án lớn đang đặt lên bàn
Những Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết là kết quả của một quá trình đàm phán và tìm kiếm sự đồng thuận, trong đó có những cam kết quan trọng, như hoàn thiện hệ thống luật lệ, cải thiện môi trường pháp lý và hơn thế là bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Đón trước xu thế này, nhiều nhà đầu tư lớn đã đổ về Việt Nam tìm kiếm cơ hội.
Nếu như cách đây 5 năm, việc cấp phép dự án khu liên hiệp luyện thép Formusa ở Hà Tĩnh với tổng số vốn đầu tư 9,5 tỷ USD được coi là dự án khủng nhất thì nay, Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định), đang được nghiên cứu và xúc tiến có vốn đầu tư dự kiến 22 tỷ USD. Dự án có quy mô diện tích khoảng 1.400 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội, công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (20 triệu tấn/năm và đến sau 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 660.000 thùng/ngày (30 triệu tấn/năm).
Dự kiến tháng 6/2016 Nhà đầu tư sẽ hoàn thiện các báo cáo cuối cùng để trình Chính phủ.
Mới đây, Chính phủ đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BOT ngành điện, quy mô từng dự án đều ít nhất trên dưới 2 tỷ USD. Với tốc độ công nghiệp hóa như hiện nay và trong chiến lược đa dạng hóa nguồn năng lượng thì câu chuyện chỉ là vấn đề thời gian. Nếu trong năm nay, các dự án này được cấp phép sẽ đóng góp nhiều tỷ USD cho thu hút FDI của Việt Nam.
Ngoài ra, có thể kể tới các kế hoạch đầu tư của Amata, tập đoàn lớn nhất của Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực điều hành KCN liên doanh với Tuần Châu ở Quảng Ninh và một dự án KCN khác ở Đồng Nai cũng của tập đoàn này, với quy mô vốn lên tới vài ba tỷ USD. Mục đích của Amata là xây dựng hạ tầng KCN để đón các nhà đầu tư vào thuê mặt bằng, nhà xưởng cho các dự án thứ cấp.
Những đánh giá lạc quan
Những chuyển động tích cực của nền kinh tế Việt Nam không chỉ được các chuyên gia trong và quốc tế đánh giá cao.
Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng xấp xỉ 7%, chỉ đứng sau Ấn Độ.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ cũng đánh giá: "Năm 2016 sẽ là một năm xuất sắc đối với nền kinh tế Việt Nam". Nhận định này dựa trên những khảo sát về những nhân tố tích cực của nền kinh tế, đặc biệt là làn sóng đầu tư vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội do các FTA mang lại. Việt Nam sẽ có một năm 2016 rộn ràng trong thu hút FDI.
Một chuyên gia phân tích khác, bà Somhatai, CEO của Amata, đánh giá: Việt Nam hiện đang có những thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược cho các tập đoàn đa quốc gia, cũng như rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế, với hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư để đổ vốn vào Việt Nam.
Thế giới đang có xu hướng phẳng và Việt Nam là một trong số ít những vùng trũng còn sót lại của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta đang có cơ hội thu hút được các nguồn lực từ nước ngoài thông qua FDI, nhưng điều quan trọng là cần đủ khôn ngoan để biết chọn lọc những dự án có chất lượng tri thức và thân thiện với môi trường.
Theo Phan Thế Hải
Vietnamnet