tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam nằm trong nhóm 8 nền kinh tế mới nổi tích cực trong 2016

  • Cập nhật : 03/02/2016

(Tin kinh te)

8 nền kinh tế mới nổi sau đây sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2016, theo nhận định của CNN.

1. Ấn Độ

Ấn Độ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, và chính phủ nước này hy vọng Ấn Độ sẽ phát triển nhanh hơn trong tương lai. Đây cũng là một trong số những nước được lợi nhiều nhất từ sự lao dốc của giá dầu thế giới.

2. Kenya

Kenya đã tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và được dự báo sẽ tăng 6,8% trong năm nay. Quốc gia này đang đón nhận làn sóng bùng nổ công nghệ cao và cũng hưởng lợi từ việc giá dầu sụt giảm.

Không giống nhiều thị trường mới nổi khác, Kenya không chịu tác động quá nhiều về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc bởi không giao thương nhiều với quốc gia này.

3. Việt Nam

Năm ngoái, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 6,5% và được kỳ vọng sẽ tăng 6,4% trong năm 2016. Theo CNN, Việt Nam có lợi thế về nguồn cung lao động dồi dào khi 60% dân số ở độ tuổi dưới 35.

 

Đồng thời, việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước thành viên khác trong đó có Mỹ, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội giao thương cho kinh tế Việt Nam.

4. Chile

Một trong những lý do khiến giới đầu tư lạc quan về Chile là bởi quốc gia này đã bắt đầu phát triển theo hướng đa dạng hóa nền kinh tế trong vài năm trở lại đây.

 

Chile cũng là một trong số 12 nước tham gia TPP với mong muốn thúc đẩy nền thương mại quốc tế của mình.

5. Colombia

Colombia đã tăng trưởng 2,5% trong năm ngoái và được dự báo sẽ tăng 2,7% trong năm nay.

 

Chính phủ nước này cam kết sẽ cắt giảm chi tiêu đồng thời thực hiện các biện pháp giảm thâm hụt tài khoản vãng lai nhằm khuyến khích các nhà đầu tư.

6. Mexico

Mexico là một điển hình thành công của khu vực Mỹ Latinh. Năm 2015, kinh tế nước này tăng trưởng 2,3% và IMF dự báo con số này sẽ tăng lên 2,8% trong năm nay.

 

Nhờ ban hành các cải cách kinh tế quan trọng, trong năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của Mexico ngày càng giảm và các khoản nợ quốc gia cũng được cơ cấu lại.

7. Indonesia

Sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Indonesia đang tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế thông qua các biện pháp: cắt giảm nợ nước ngoài, nới lỏng tiền tệ, hạn chế nguy cơ tăng lãi suất...

 

Quốc gia này cũng thành công trong việc kiểm soát chi tiêu và ban hành các mức giới hạn thâm hụt ngân sách. CNN nhận định, tầng lớp trung lưu tại Indonesia đang gia tăng nhanh chóng.

8. Peru

Dự báo trong năm 2016, kinh tế Peru sẽ tăng trưởng ở mức 3,3%.

 

Bên cạnh khai thác khoáng sản đem lại nguồn thu lớn cho Peru thì khả năng trụ vững trước sự sụt giảm mạnh của giá hàng hóa tốt hơn nhiều so với các quốc gia xuất khẩu khác cũng là lợi thế thu hút giới đầu tư.

 


Theo Vân Thảo
Doanh nhân Sài Gòn

Trở về

Bài cùng chuyên mục