Gạo Việt đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Một tuần sau cơ chế tỷ giá trung tâm: Doanh nghiệp “hồi hộp" chờ đường đi của tỷ giá?
- Cập nhật : 12/01/2016
(Kinh te)
Xu hướng điều chỉnh tỷ giá trong năm 2016 như thế nào vẫn đang là dấu hỏi với doanh nghiệp sau một tuần Ngân hàng Nhà nước công bố cơ chế tỷ giá trung tâm. Mặc dù chưa có nhiều tác động song các doanh nghiệp cho rằng cơ chế mới sẽ ít gây “sốc” và được lợi nhiều hơn.
Sau một tuần chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá mới, song nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa cảm nhận thấy rõ những tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã cảm thấy “bớt lo” hơn với cơ chế tỷ giá mới này, song cũng khá băn khoăn khi nhận định về cách thức và xu hướng điều hành cơ chế tỷ giá mới.
Trước mắt là hưởng lợi...
Là doanh nghiệp có tới hơn 20% doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho đến thời điểm này do cơ chế tỷ giá trung tâm mới được áp dụng, nên chưa đánh giá được đầy đủ tác động.
“Trong tuần qua NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm có phiên tăng, phiên giảm, nhưng chưa thể hiện rõ xu hướng. Do mới áp dụng nên chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào. Tuy nhiên với cơ chế này, những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi nhiều hơn từ nguồn thu ngoại tệ so với doanh nghiệp nhập khẩu” – ông Hùng nhận định.
Mặc dù có hơn 20% doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu nhưng phần lớn nguyên liệu cho sản xuất của Công ty Sơn Hà lại được nhập khẩu. Do đó, ông Hùng cho rằng nếu trong trường hợp NHNN điều chỉnh tỷ giá theo xu hướng giảm, thì lại là thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Cũng là doanh nghiệp phải nhập khẩu tới 90% linh phụ kiện, nguyên liệu cho sản xuất, mà chủ yếu là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Sunhouse cho biết đến thời điểm này với biên độ điều chỉnh khá nhỏ nên doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Đánh giá về cơ chế tỷ giá trung tâm, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng việc NHNN điều chỉnh hàng ngày với biên độ nhỏ sẽ tốt hơn và linh hoạt hơn so với cách điều chỉnh trước đây. Bởi cơ chế này gần với thị trường hơn, không bị bó buộc cố định vào một chỉ tiêu cụ thể và phần nào phản ánh đúng cung cầu ngoại tệ thị trường.
Tuy nhiên, khi nhận định về xu hướng điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng nhiều khả năng VND sẽ tiếp tục bị mất giá so với đồng USD, có nghĩa là tỷ giá sẽ có xu hướng được điều chỉnh tăng lên. Thế nhưng, với cơ chế tỷ giá mới thì những tác động này cũng sẽ “thấm từ từ” và đỡ sốc hơn so với cách điều chỉnh trước đây theo nhận định của doanh nghiệp này.
“Phương pháp điều chỉnh tỷ giá này không phải là mới. Xu hướng điều chỉnh tăng hay giảm đều ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực nhất định tới các ngành sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, so với cách điều hành trước đây thì thì mọi thứ sẽ linh hoạt và dễ chấp nhận hơn. Bản thân doanh nghiệp tôi cũng đã lên phương án tỷ giá sẽ được điều chỉnh trong biên độ 3% để chuẩn bị ứng phó” – ông Hùng nói.
Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá linh hoạt từng ngày, song vẫn áp dụng biên độ dao động +/-3, lãnh đạo của Công ty Sunhouse thì bày tỏ lo ngại rằng nếu tỷ giá không theo đúng cơ chế cung cầu của thị trường, thì có thể khiến cho doanh nghiệp mất đi lợi thế kinh doanh. Do đó, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá theo xu hướng như thế nào, vẫn là dấu hỏi lớn, mà đặc biệt là những doanh nghiệp nhập khẩu nhiều nguyên liệu thì đây như một “ẩn số”.
...."Nín thở" với đường dài
“Nếu theo đúng quy luật cung cầu thị trường thì không vấn đề gì, chỉ sợ không điều hành theo cơ chế đúng nghĩa cung cầu thị trường, làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thì mới đáng ngại. Do đó, phải chờ đợi động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN trong thời gian dài mới nhận định đầy đủ được” – ông Phú băn khoăn.
Đường đi của tỷ giá trong thời gian tới sẽ như thế nào, công thức tính tỷ giá hàng ngày của NHNN ra sao vẫn đang là một ẩn số đối với doanh nghiệp. Tỷ giá mới mặc dù thuận lợi hơn cho doanh nghiệp chuẩn bị các phương án kinh doanh chủ động và linh hoạt, song về lâu dài thì đây vẫn là bài toán với doanh nghiệp, khi mà NHNN cho thấy tỷ giá sẽ linh hoạt hơn nhưng vẫn bị kiểm soát.
Theo nhận định của ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem), rất có thể NHNN sẽ lấy giá đóng cửa của ngày hôm trước và dựa vào đó để công bố tỷ giá cho ngày hôm sau. Tức cho phép thị trường biến động lớn hơn và giảm sự can thiệp của Nhà nước, nhưng NHNN cũng sẽ giữ quyền để can thiệp nếu có biến động quá mạnh.
“NHNN có thể điều chỉnh nhiều hơn, có lên xuống nhưng chắc chắn cũng chỉ duy trì trong biên độ khoảng 3% thôi như hiện nay. Nhiều khả năng ngân hàng qua đây để giảm sức ép và có ý kiến nói là phải nới tỷ giá thêm một chút nữa, nên có khả năng trước sức ép nhu cầu vay vốn lớn, tỷ giá sẽ được điều chỉnh dần theo hướng tăng lên để giảm sức ép của thị trường”, TS. Tú Anh nhận định.