Có đến gần 28.000 container “rác” ngoại đang tồn đọng ở cảng biển của Việt Nam.
Việt Nam có quan hệ làm ăn như thế nào với các nước G7?
- Cập nhật : 10/06/2018
Tổng trị giá hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam và các nước G7 trong năm 2017 đạt 113 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Giá trị này cũng chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện đã đến Canada để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày và thăm Canada từ ngày 8 – 10/6/2018.
G7 là nhóm các quốc gia bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật, Anh và Mỹ. Những nước này là các đối tác và là thị trường hàng hoá quan trọng của Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường các thành viên G7 đạt 78,98 tỷ USD, tăng 8,4% (tương ứng tăng 6,13 tỷ USD về số tuyệt đối) so với một năm trước đó và chiếm 36,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ từ các nước thành viên G7 này là 34,03 tỷ USD, tăng 12,3% và chiếm 16% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ tất cả các thị trường trên thế giới.
Như vậy, trong hoạt động xuất nhập khẩu với nhóm G7 trong năm 2017, Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại hàng hóa lên đến 44,95 tỷ USD, lớn hơn nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ nhóm G7.
Tính riêng từng nước, Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu trong nhóm G7 về thương mại với Việt Nam. Tính hết năm 2017, trị giá xuất nhập khẩu giữa hai nước là 50,94 tỷ USD.
Điểm đặc biệt của thị trường này là Việt Nam luôn xuất siêu sang Mỹ với giá trị ngày càng lớn.
Xét trong một giai đoạn dài từ 2000 – 2017, thương mại hàng hoá Việt – Mỹ đã có bước phát triển ngoạn mục với mức tăng hơn 40 lần. Trong đó, tốc độ tăng xuất khẩu trong giai đoạn từ năm 2000-2017 bình quân đạt khoảng 28%/năm, từ 732 triệu đô la Mỹ năm 2000 lên 41,6 tỉ đô la Mỹ năm 2017. Nổi bật nhất là năm 2002 với mức tăng 127,3%, năm 2003 tăng 62,7%, năm 2006 tăng 32%.
Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất đi Mỹ là hàng dệt may, da giày. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thế mạnh về xuất khẩu nông – lâm – thuỷ sản.
Đứng vị trí thứ 2 là Nhật Bản với 33,84 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Nhật Bản trong năm 2017 cũng là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư.
Theo khảo sát của Jetro, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 2 trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư. Lĩnh vực sản xuất là điển hình cho hợp tác thành công của Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua. Các tên tuổi lớn như Toyota, Honda, Canon, Panasonic… đều đã có mặt tại Việt Nam.
Các nước G7 ở châu Âu như: Đức, Anh, Pháp, Italia cũng đều là những nước có quan hệ tốt về thương mại với Việt Nam với tổng giá trị xuất nhập khẩu song phương lần lượt là 9,57 – 6,15 – 4,61 – 4,4 tỷ USD.
Đơn cử như Pháp, nhìn chung, cán cân thương mại luôn ở trạng thái thặng dư nghiên về phía Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: đá quý, đồ trang sức; giầy dép; dệt may; sản phẩm nhựa; dụng cụ cơ khí; đồ gia dụng; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; hàng nông, lâm, thủy sản; đồ điện, điện tử; gốm sứ các loại; cao su; than đá; hàng mây tre đan…
Đối với Italia và Anh, năm 2018 được đánh giá là năm bản lề trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước này lần lượt kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và quan hệ hữu nghị.
Đối với Canada, hiện nước này là đối tác thương mại lớn thứ 24 của Việt Nam. Trong năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu của hai nước chính thức đạt 3,52 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2016.
Diễn biến thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Canada trong giai đoạn 2011-2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong các năm, Việt Nam luôn thặng dư cán cân thương mại trong trao đổi hàng hóa với Canada. Mức thặng dư thương mại này đã liên tục tăng trong giai đoạn năm 2011-2016. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, mức thặng dư thương mại đã giảm do Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh. Cụ thể, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Canada mạnh nhất là vào năm 2016 với 2,26 tỷ USD. Trong năm 2017, Việt Nam chỉ còn thặng dư 1,92 tỷ USD trong thương mại với Canada.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Canada chiều 8/6 (giờ địa phương) đã bày tỏ: "Cùng với việc chúng ta vừa ký kết tham gia CP TPP hồi tháng 3, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ sớm đón một làn sóng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Canada".
Theo CafeF