tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ông Trương Văn Phước: 'Chưa vội điều chỉnh tỷ giá nếu Mỹ tăng lãi suất'

  • Cập nhật : 16/09/2015

(Tin kinh te)

Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định FED nếu phải tăng lãi suất sau phiên họp ngày mai cũng không quá 0,25% và điều này ảnh hưởng không đáng kể tới Việt Nam.

Thị trường thế giới đang chờ đợi phiên họp chính sách thường kỳ hằng quý của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra ngày 16-17/9, mà ở đó lãi suất đồng đôla có thể được cân nhắc tăng sau nhiều năm giữ thấp kỷ lục. Thông điệp này dự báo sẽ tác động tới thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Trước thềm phiên họp, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước đã có cuộc trao đổi với VnExpress.

ong truong van phuoc hien la pho chu tich uy ban giam sat tai chinh quoc gia, co nhieu nam nghien cuu va tham muu dieu hanh ty gia. anh: quy doan

Ông Trương Văn Phước hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, có nhiều năm nghiên cứu và tham mưu điều hành tỷ giá. Ảnh: Quý Đoàn

- Theo ông, tại sao thế giới lại đồn đoán nhiều về khả năng FED tăng lãi suất sau phiên họp này?

- Đánh giá một cách khách quan thì trong 7-8 năm qua, FED đã đi tiên phong và đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc vực dậy nền kinh tế Mỹ đang thập tử nhất sinh vì khủng hoảng tài chính và suy thoái 2007-2008. Họ đã viết tên mình trong lịch sử kinh tế tài chính Mỹ với chính sách lãi suất vô cùng táo bạo - hạ xuống gần 0%, đồng thời mạnh dạn sử dụng nhiều công cụ, kể cả phi truyền thống như tung ra các gói cứu trợ dưới hình thức nới lỏng định lượng (QE) nhằm bơm thanh khoản hàng nghìn tỷ đôla cho thị trường. Giờ đây, khi kinh tế thế giới còn bất ổn và hỗn độn thì Mỹ - với tư cách một siêu cường và từng chịu tổn thất nặng nề - lại là điểm sáng nhất.  

Một bác sĩ tài ba đã xây dựng phác đồ điều trị tốt thì cũng phải biết điều chỉnh, dừng đúng lúc khi cơ thể bệnh nhân chuyển biến. Với những dấu hiệu mới của nền kinh tế, như một phản ứng tự nhiên của cơ quan làm chính sách, FED phải cân nhắc điều chỉnh các biện pháp đặc trị rất mạnh của mình. 

Ba yếu tố được FED nhìn vào khi quyết định có tăng lãi suất hay không, đó là tăng trưởng, lạm phát và việc làm. Không phải tới bây giờ FED mới cân nhắc điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ. Các gói QE đã lần lượt kết thúc. Ngay từ 2013, FED từng cân nhắc khả năng tăng lãi suất. Lẽ ra họ cũng định tăng trong cuộc họp tháng 6 vừa qua, nhưng rồi lại ngập ngừng vì GDP quý I quá thấp và đồng đôla tăng giá quá nhanh.

Kỳ vọng tăng lãi suất lớn hơn trước phiên họp tháng 9 bởi tăng trưởng tốt hơn dự báo, 3,7%. FED có những chứng cứ để tin lạm phát đang tiệm cận mức tối ưu của nền kinh tế là 2%. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh từ mức 9-10% hồi đầu nhiệm kỳ Tổng thống Obama xuống thấp hơn mong đợi - 5,1%.

Mọi đồn đoán sẽ được giải toả sau phiên họp này. Tuy nhiên, FED đang phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn mong đợi nhưng lượng việc làm mới chưa ổn định. Bình quân các tháng 5-6-7, mỗi tháng có khoảng 220.000 việc làm mới được tạo ra, nhưng đến tháng 8 chỉ còn 173.000. Điều này có thể khiến FED lo ngại kết quả giảm tỷ lệ thất nghiệp chưa bền vững. Việc làm mới không cao có nghĩa giá nhân công chưa như mong muốn, gây e ngại về khả năng truyền dẫn để đạt kỳ vọng lạm phát. FED còn mối quan tâm nữa là kinh tế thế giới, hiện tăng trưởng quá yếu với những bất ổn tại Trung Quốc cũng như thị trường tài chính toàn cầu.

- Vậy ông tin FED sẽ chọn phương án nào, tăng hay giữ nguyên lãi suất?

- Trên thế giới đang có một nhóm các học giả danh tiếng khuyên FED yên lặng chờ đợi thêm. Trong số này có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel - Paul Krugman và cả IMF, World Bank. Thậm chí Paul Krugman còn chế giễu tăng lãi suất lúc này là ý tưởng tồi. 

Như tôi phân tích ở trên, FED cũng đang rất do dự khi các chỉ số nội tại của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, trong khi kinh tế thế giới còn bất ổn. Ngay trong nội bộ FED cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Về mặt tâm lý học, không quá khó hiểu nếu FED chưa tăng lãi suất, chọn cách ngồi yên trước những vấn đề quá phức tạp, quá gai góc mà chưa rõ ràng.

Nhưng trên phương diện chính trị và là một cơ quan làm chính sách, FED không thể không hành động sau vài lần đánh tiếng sẽ tăng lãi suất. Chính Chủ tịch Janet Yellen khi điều trần trước Quốc hội Mỹ tháng 7 vừa qua đã ám chỉ nếu còn chần chừ tăng lãi suất lúc này thì tương lai việc tăng lãi suất sẽ diễn ra với mức độ lớn hơn và tốc độ dồn dập hơn. 

Theo quan điểm cá nhân tôi, xét cả hai phương diện tâm lý học và chính trị nói trên, có thể cảm nhận FED sẽ tăng lãi suất nhưng ở mức tối thiểu 0,25% và giữ yên đến hết năm. Thực tế theo dõi điều hành lãi suất của FED 20 năm qua, tôi nhận thấy xác suất điều chỉnh ở mức 0,25% rất lớn, tới 70-80%. Hơn 20% các trường hợp có mức điều chỉnh 0,5% và rất ít còn lại sử dụng mức 0,75%.

- Giả sử FED tăng lãi suất như ông dự báo, quyết định này tác động thế nào tới thị trường tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

- Mức tăng 0,25% một năm thực sự không phải là vấn đề với thế giới cũng như Việt Nam, có chăng chỉ là thông điệp mới về khả năng phục hồi của kinh tế Mỹ. Thực tế thị trường từ đầu năm đã thẩm thấu khả năng tăng lãi suất, thể hiện ở việc đồng đôla Mỹ đã tăng giá rất mạnh. Theo lẽ thường thì sau khi lãi suất tăng, đồng đôla có thể tăng giá thêm nhưng mức tăng không quá lớn và không kéo dài, mà sẽ sớm trở lại mặt bằng như hiện nay. Điều chúng ta chờ đợi là nếu tăng lãi suất, FED sẽ bình luận thế nào về quyết định này và có để lộ ra đường đi nước bước tiếp theo trong điều hành chính sách tiền tệ hay không.

Có ý kiến chuyên gia khuyến cáo lãi suất đôla Mỹ tăng sẽ làm đảo chiều dòng vốn thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng với một nền kinh tế thâm dụng vốn như Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng cao, lạm phát thấp, vĩ mô ổn định và lãi suất tiền đồng gấp nhiều lần đôla Mỹ sẽ không có gì phải lo ngại dòng vốn dịch chuyển đến nơi khác.

Chúng ta cũng không quá lo lắng về áp lực trả nợ. Hơn một nửa nợ của chúng ta hiện nay vay bằng tiền đồng. Khoảng 46-48% vay bằng đôla Mỹ, còn lại là ngoại tệ khác. Lãi suất đồng đôla nếu tăng cũng chưa ảnh hưởng ngay tới các hợp đồng vay nợ đã ký. Nếu đồng đôla Mỹ lên giá thì các đồng tiền khác mất giá, bù qua sớt lại giữa các hợp đồng vay nợ cũng không thể kết luận ngay gánh nặng nợ nần gia tăng khi tỷ giá tăng. Đó là chưa kể chúng ta còn nguồn thu từ xuất khẩu và có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bù lại phần chênh lệch tỷ giá.

- Vậy chính sách tiền tệ của Việt Nam nên điều chỉnh thế nào nếu Mỹ tăng lãi suất với mức không đáng kể?

- Tại Việt Nam, tất cả những thông tin lan truyền về việc FED tăng lãi suất đã thẩm thấu vào thị trường từ sớm và chúng ta cũng đã có những phản ứng chính sách trong hai tháng qua. Từ đầu năm đến nay, đôla Mỹ đã tăng giá 5% so với tiền đồng. Ba lần tăng tỷ giá và hai lần nới biên độ từ đầu năm đến nay đã giúp xử lý phần nào những yêu cầu nội tại của nền kinh tế và dự phòng cho những diễn biến bên ngoài như Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và FED tăng lãi suất. Vì vậy, nếu FED tăng lãi suất với mức không đáng kể thì không có lý do gì chính sách vĩ mô của chúng ta phải thay đổi, ít nhất là tới đầu năm sau.

Song Linh
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục