Về cơ bản, phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ Chính phủ trong nước không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định.
Môi trường kinh doanh bình đẳng giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển
- Cập nhật : 01/09/2015
(Doanh nghiep)
Doanh nghiệp tư nhân hiện chiếm gần 90% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp gần 50% GDP hàng năm và giải quyết tới 90% số công ăn việc làm cho người lao động.
Các chuyên gia cho rằng, cần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, để giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Thống kê năm 2012 cho thấy, tỷ trọng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm trên 40% tổng số vốn đầu tư nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP chỉ 32%. Khu vực FDI chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng cũng chỉ đóng góp 18% cho GDP. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước tuy tỷ trọng vốn đầu tư chỉ khoảng 38% GDP, nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này chiếm đến 49% GDP. Các doanh nghiệp tư nhân không chỉ có đóng góp cho GDP cao nhất, mà còn tạo ra được nhiều việc làm nhất, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân.
Phân tích các động cơ tăng trưởng của nền kinh tế cũng cho thấy, khu vực kinh tế nhà nước đã bộc lộ sự kém hiệu quả và đã phát triển đến tới hạn. Khu vực FDI chỉ nhằm khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ và lợi dụng kẽ hở chính sách cũng như ưu đãi của Chính phủ để thu lợi. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với vô vàn thách thức, vừa phải tìm mọi cách sống sót trong điều kiện nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận, có lãi suất cao, trong khi làm ăn rất khó khăn, lợi nhuận thấp khó bù đắp được chi phí vay ngân hàng. Doanh nghiệp tư nhân cũng bị các doanh nghiệp khu vực nhà nước và khu vực FDI chèn ép trong cuộc cạnh tranh không bình đẳng, bởi họ không được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước. Do đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, phải có thay đổi tư duy về xác định động lực mới, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, mà trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân.
Song chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cũng cho thấy, khu vực kinh tế nhà nước là khu vực có chuyển giao công nghệ nhiều nhất trong 3 khu vực sở hữu. Giai đoạn 2000 - 2006, đóng góp của TFP vào tăng trưởng chung của cả nước là 22,6%, thì trong đó đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước cao hơn mức bình quân chung (23,7%), khu vực doanh nghiệp tư nhân khoảng 18% và mức đóng góp của khu vực FDI ở mức âm. Giai đoạn 2007-2012, đóng góp của TFP vào tăng trưởng cả nền kinh tế tuy giảm sút nhanh chóng xuống còn 6,4%, nhưng TFP của khu vực nhà nước đóng góp vào tăng trưởng vẫn cao nhất (17,4%), khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực FDI thậm chí âm. Đóng góp năng suất tổng hợp của doanh nghiệp tư nhân thấp là do các đơn vị còn làm ăn manh mún, chậm thay đổi, phần nhiều vẫn là những doanh nghiệp kinh doanh cá thể.
Để doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh tốt hơn và trở thành động lực tăng trưởng của nước ta, các chuyên gia cho rằng, cần có các chương trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Nhưng trước khi hỗ trợ, việc phải làm đầu tiên là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đầu tư vào các lĩnh vực mà khu vực kinh tế nhà nước không nắm giữ nữa, với sự hỗ trợ đầu tư mồi của Nhà nước, nhất là đối với đầu tư hạ tầng dùng chung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa sâu. Bởi doanh nghiệp tư nhân ở nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, nên khó có thể đầu tư những hạng mục lớn, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Giúp đỡ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thay vì chỉ cung ứng dịch vụ đơn giản, tiến hành chế tác công nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay.