Thuế và phí, chiếm 26,3% GDP trong tổng thu ngân sách (2007-2011), đã giảm xuống còn 19,7% (2014), và sẽ còn tiếp tục giảm khi Việt Nam thực hiện đầy đủ hơn 10 cam kết hội nhập theo các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Dự báo tình hình kinh tế trong nước thời gian tới
- Cập nhật : 30/08/2015
(Tin kinh te)
Cùng với sự chuyển biến tích cực của kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước có nhiều dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và ở mức tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố có tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Về tăng trưởng kinh tế chung và ngành sản xuất
Tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài. Khu vực công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục tăng cao và là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng. Khu vực dịch vụ cải thiện ở mức vừa phải. Riêng khu vực NLTS sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến tăng trưởng của khu vực này giảm tốc. Mặc dù có nhiều dấu hiệu quả khả quan về tăng trưởng, nhưng nền kinh tế trong nửa cuối năm 2015 sẽ vẫn còn phải đối mặt với một số khó khăn:
Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ. Còn nhiều khó khăn tồn tại đối với khu vực này. Thứ nhất, biến động giá cả nông sản của thế giới được dự báo vẫn theo xu hướng giảm gây khó khăn cho đầu ra nông sản Việt Nam, đặc biệt khi sức cạnh tranh của nông phẩm xuất khẩu Việt Nam còn yếu. Thứ hai, tình trạng nhập lậu, đặc biệt là nhập lậu nông, thủy sản từ Trung Quốc diễn ra khá phức tạp. Những mặt hàng nhập lậu thiếu chất lượng được bán với giá rẻ, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với hàng nông sản trong nước. Thứ ba, sự tự phát và phá vỡ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp và diễn biến thời tiết bất lợi (hạn hán, ngập mặn) gây ra nhiều rủi ro cho nông dân, cản trở phát triển nông nghiệp bền vững.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có triển vọng tăng trưởng lạc quan, tuy nhiên dự báo một số lĩnh vực công nghiệp sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2015. Cụ thể: ngành công nghiệp khai khoáng có xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng do sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm; công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng chủ yếu do các doanh nghiệp FDI ở các lĩnh vực dệt may, lắp ráp, điện thoại di động,… có giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp nguyên, nhiêu liệu ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến tiếp cận vốn và khâu tiêu thụ đầu ra. Tuy vậy, có thể thấy môi trường kinh doanh hiện tại có dấu hiệu khởi sắc hơn, kinh tế vĩ mô khá ổn định, cũng như tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là nền tảng để kỳ vọng khu vực công nghiệp xây dựng sẽ hồi phục mạnh hơn và trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong thời gian tới.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá. Tổng cầu có khả năng thanh toán có chiều hướng gia tăng là nền tảng để hỗ trợ cho tăng GDP khu vực này. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch và vận tải sẽ có khả năng tiếp tục gặp khó khăn trong quý III/2015.
Về giá cả
Với nhận định giá dầu trên thế giới phục hồi trong thời gian tới, và tăng trưởng kinh tế thế giới 2015 là 3,5%. Nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trong quý III/2015 không có đột biến lớn, dự báo CPI tăng trung bình khoảng 1,7%.
Về hoạt động xuất khẩu
Dưới tác động tích cực từ thị trường thế giới và những cải thiện của tình hình trong nước, tình hình xuất khẩu được dự báo sẽ có những khởi sắc. Tuy nhiên, sự khởi sắc này chỉ ở mức cầm chừng, nguyên nhân là do: xu hướng tăng giá USD sẽ còn tiếp tục và việc giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế sẽ chưa dừng lại, trong khi đó, tỉ giá danh nghĩa cả năm đã tăng hết dư địa 2% mà NHNN dự kiến, điều này làm cho tiền VND tăng giá tương ứng, qua đó có thể làm giảm tính cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Về tăng trưởng tín dụng
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 ở mức 13% - 15%, cao hơn so với mục tiêu năm 2014 là ở mức 12%-14%. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điều này có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng và làm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khó đạt được kế hoạch đề ra.
Về lao động việc làm
Trong nửa cuối năm 2015, tăng trưởng kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực hứa hẹn sự phát triển của các doanh nghiệp đi kèm với số việc làm tăng lên. Bên cạnh đó, việc hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam. Người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào thị trường lao động của cả khu vực, đồng thời cũng chịu nhiều áp lực cạnh tranh khi phải đón nhận lao động từ các quốc gia khác trong khu vực vào Việt Nam.
Ngoài ra, nửa cuối năm là thời điểm thị trường lao động đón nhận một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. Theo số liệu thống kê từ các năm vừa qua, tỉ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm còn rất thấp. Số lượng sinh viên ra trường trong nửa cuối năm sẽ góp phần làm cho tỉ lệ thất nghiệp trong quý III và của cả năm tăng lên. Nguyên nhân chính vẫn được các chuyên gia nhận định là do chất lượng giáo dục, tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường lao động…
Như vậy, trong quý III và nửa cuối năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội có đi lên, nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng lên, tình trạng lao động – việc làm vẫn không có nhiều khả quan, do chất lượng nguồn nhân lực còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và các ngành nghề được đào tạo còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp; tỉ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong giai đoạn tới.