Khi vào Việt Nam, Idemitsu Kosan và đối tác sẽ khởi động bằng việc cung ứng dầu nhớt tại miền Trung, phân phối nhiên liệu này cho các hãng xe Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.
Tụt hậu kinh tế: Nguy cơ hiện hữu
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Nếu chỉ đạt mức 5%/năm, thì năm 2035, kinh tế nước ta mới bằng 75% của Thái Lan hiện nay; bằng 30% của Trung Quốc bây giờ. Còn nếu đạt mức tăng tưởng 7% trở lên, thì ta mới đuổi kịp họ vào năm 2035...
Quan ngại về nguy cơ tụt hậu nền kinh tế không phải lần đầu tiên được các chuyên gia cảnh báo, nhưng tại Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 -2035” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (28/8), vấn đề này đã được bàn thảo một cách kỹ lưỡng hơn với những dẫn chứng đầy đủ và rất thuyết phục.
Nếu không đạt mức tăng trưởng 7%, Việt Nam sẽ tụt hậu
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với các nước trong khu vực.
GDP năm 2014 mặc dù đạt 186,2 tỷ USD ( gấp 29 lần năm 1990), nhưng so với một số nước trong khu vực, thì con số này vẫn còn nhỏ. Theo tính toán, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.
Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.145 USD, đến năm 2014 tăng lên 2.052 USD.
Tuy nhiên, với mức bình quân này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đang đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm; sau Thái Lan khoảng 20 năm, và sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
Đồng tình với các con số Tổng cục Thống kê đưa ra, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn, nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu lớn.
Cung cho rằng, hiện nay, tăng trưởng kinh tế có phục hồi, nhưng chậm hơn trước. Tiềm năng tăng trưởng đang có xu hướng giảm xuống kể từ năm 2015 này, nên tăng trưởng của Việt Nam khó có thể phục hồi trở lại mức 7%-8%-8,5% như trước.
“Trước kia, nước ta đã tự hào về mức tăng trưởng GDP cao. Nhưng từ năm 2008 đến nay, mức tăng trưởng chỉ xoay quanh mức 5%-6%. Với mức tăng trưởng này quy cơ tụt hậu là rất lớn. Cụ thể, nếu chỉ đạt mức 5%/năm, thì năm 2035, kinh tế nước ta mới bằng 75% của Thái Lan hiện nay; bằng 30% của Trung Quốc bây giờ. Còn nếu đạt mức tăng tưởng 7% trở lên, thì ta mới đuổi kịp họ vào năm 2035... nhưng, họ cũng chạy, chứ không đứng yên đợi ta”, ông Cung phân tích.
Tình hình tài chính, tiền tệ cũng rất đáng lo ngại. Trong hệ thống ngân hàng, nợ xấu cũng đang ở mức cao: theo báo cáo thì đến cuối năm 2014 là 5,43% dư nợ, đã giảm so với mức 17% vào năm 2012 và cuối năm 2015 sẽ còn 3%. Nhưng, nếu tính toán theo thông lệ quốc tế thì số này có thể lên đến 15%-16%. Việc cơ cấu lại ngân hàng đang rất khó khăn.
Về xã hội, số người không có việc làm ổn định vẫn ở mức cao. Phân hóa xã hội diễn ra nghiêm trọng: chênh lệch giàu nghèo đang giãn rộng thêm; của cải xã hội rơi vào tay một nhóm. Môi trường bị suy thoái nặng nề, dẫn đến thảm họa lũ lụt, sạt lở đất ở nhiều vùng miền núi.
Phải đến năm 2069, mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan
Điều đáng nói là, năng suất lao động của Việt Nam chưa cải thiện. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung giai đoạn 1994-2013, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương năm 2005 (PPP 200%) của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm, là mức tăng cao nhất trong số các nước ASEAN. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.
Tuy nhiên, ngoại trừ Brunei và Philippines, khoảng cách tuyệt đối tính bằng chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN ở trình độ phát triển cao hơn lại gia tăng.
“Giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 vừa qua, thì phải đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan”, đại diện của Tổng cục Thống kê chỉ rõ.
Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng của Việt Nam mới ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 11,9% cho giai đoạn 2001-2005 và -4,5% giai đoạn 2006-2010; giai đoạn 2011-2014 đạt 24,3%.
So với một số nước trong khu vực trong giai đoạn 2001-2010, Việt Nam đạt mức rất thấp với 4,3%, trong khi Hàn Quốc đạt 51,3%; Malaysia đạt 36,2%; Thái Lan đạt 36,1%; Trung Quốc đạt 35,2%; Ấn Độ đạt 31,1%.
“Cải cách thể chế kinh tế để phát triển, mệnh lệnh không thể chần chừ”
Tự đặt đầu đề cho bài tham luận của mình như vậy, ông Cung chia sẻ: “Tôi không phải rút tít cho giật gân mà đây là thực tâm của tôi. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, áp lực cải cách là rất lớn. Nếu còn chần chừ thì không phải là nguy cơ mà sẽ tụt hậu thực sự so với các nước trong khu vực”.
Theo ông, mục tiêu ổn định vĩ mô là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu không đổi mới thể chế, chức năng của Nhà nước thì nguy cơ tài khóa, tiền sẽ mở rộng và gây ra bất ổn.
Nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia khác.
GS,TS. Võ Đại Lược thẳng thắn, tình hình kinh tế đang phức tạp, có điểm sáng, có điểm tối, nếu chỉ bàn đến giải pháp kinh tế thì không thể giải quyết được, chẳng hạn như vẫn giữ doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo thì không thể xử lý được những vấn đề tồn động tại khu vực này.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, ở thời điểm hiện nay, muốn giải quyết thực sự vấn đề thì không thể chỉ bàn tới việc đổi mới cải cách về kinh tế, mà cần phải xem xét cả các vấn đề mang tính chính trị, như vai trò của nhà nước thế nào? Cơ cấu ra sao?...
“Phải có sự đổi mới về tư duy quan điểm phát triển, từ đó đổi mới thể chế.Còn nếu chỉ bàn để giải quyết các nút thắt kinh tế thôi thì rất khó giải quyết tận cùng vấn đề đang đặt ra hiện nay”, ông Lược thẳng thắn.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển khẳng định để thể chế kinh tế tốt lên, phải cải cách chính trị, từ đó xây dựng xã hội hiện đại dựa trên ba nội dung: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Còn theo PGS, TS. Bùi Tất Thắng (Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển), Việt Nam cần tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, lấy mốc năm 2018 (mốc xác định được công nhận là kinh tế thị trường theo cam kết gia nhập WTO) làm thời điểm phấn đấu hoàn thành quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, thực chất.
“Đến thời điểm đó, cơ chế thị trường phải được áp dụng một cách rộng rãi, phổ biến”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng tuy kinh tế Việt Nam đang phát triển, nhưng có sự thật là năng lực cạnh tranh đang kém hơn các nước, gây nên mối nguy trong quá trình hội nhập mạnh mẽ.
“Hội nhập là cạnh tranh. Quyết tâm hội nhập mà không cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh được thì chúng ta thất bại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, đây là thời điểm cần chuyển đổi, cần phải có những hành động và giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tập trung vào cải thiện sức cạnh tranh, đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực./.