Quyền sở hữu thông tin của người dùng đang được xem là lỗ hổng mà pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể. Nó gây nên những rủi ro khi thông tin tài chính, hồ sơ sức khỏe…của người dùng không được bảo mật mà có thể bị mua đi, bán lại, theo ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - Hội Truyền thông số Việt Nam.
Tham nhũng và nợ công
- Cập nhật : 14/11/2017
Chính phủ cho biết số bị can bị khởi tố về tội tham nhũng đã tăng so với năm trước...
Chính phủ cho biết số bị can bị khởi tố về tội tham nhũng đã tăng so với năm trước...Nguồn ảnh: Ảnh minh họa
→Nợ công: ASEAN ổn định hoặc giảm, Việt Nam tăng đều
→Giải món nợ công 3 triệu tỉ đồng
Tội phạm tham nhũng tăng
Chính phủ cho biết số bị can bị khởi tố về tội tham nhũng đã tăng so với năm trước, nhưng Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng vẫn chưa tương xứng với thực tế. Nếu còn nhiều kẽ hở trong cơ chế xin - cho thì tham nhũng vẫn muôn hình vạn trạng. Không chặn đứng tình trạng này, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ càng khó có cơ hội tồn tại.
Vốn dĩ lạc quan, người Việt dễ tặc lưỡi bỏ qua khi đọc báo cáo của các bộ ngành địa phương không phát hiện tình trạng nhận quà không đúng quy định, không có tham nhũng, cho dù điều này sao mà xa vời vợi với những trải nghiệm hằng ngày, hằng giờ của họ. Vẫn có thể cười nhẹ mà nghe, năm 2016 không có trường hợp nào vi phạm kê khai tài sản, thu nhập, năm 2017 có 5 trường hợp. Xét về mặt hiện tượng, điều này cũng chẳng khác câu chuyện cũ, năm 2013, cuộc thanh tra của Hà Nội chỉ phát hiện 1 trường hợp chạy chức.
Tuy nhiên, những cảm xúc đó chỉ tồn tại khi ngân khố quốc gia dồi dào, tài nguyên rừng vàng, biển bạc, khoáng sản phong phú... Nhưng thực tế hiện nay lại hoàn toàn trái ngược. Báo cáo về nợ công gửi Quốc hội cho thấy, nợ công năm 2017 có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỉ đồng, bằng 62,6% GDP. Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam vừa được Bộ Tài chính và World Bank công bố đầu tháng 10.2017 cảnh báo, Việt Nam đang nằm trong những quốc gia có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm qua.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Lời giải duy nhất cho bài toán nợ công là phải nuôi dưỡng, phát triển doanh nghiệp, tạo nguồn thu ổn định và bền vững để giải quyết nợ nần. Tham nhũng không được phép là đá tảng, chặn đứng mục tiêu này.
Không đề cập tới chuyện cũ doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ vẫn đang loay hoay với cái ách “muốn có 1 đồng lợi nhuận thì phải tốn 0,7 đồng chi phí không chính thức”, trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, chỉ ra một thực tế đáng lo hơn: người được tham nhũng và người bị tham nhũng bắt tay, vui vẻ giúp đỡ nhau thực hiện hành vi tham nhũng, hối lộ.
Muôn hình vạn trạng
“Một khu đất muốn có giá trị thực tới 20.000 tỉ đồng có thể được đổi lấy một công trình trị giá 2.000 tỉ đồng, nếu thực hiện theo hình thức BT. Doanh nghiệp lãi gấp 20 lần chỉ bằng việc nhận một dự án như vậy. Đó là chưa kể, nguồn vốn ban đầu bỏ ra cũng là do doanh nghiệp đi vay ngân hàng. Nếu còn nhiều kẽ hở trong xin - cho như vậy thì tham nhũng vẫn muôn hình vạn trạng, trăm hoa đua nở’’, vị lãnh đạo doanh nghiệp ví von.
Là nghịch lý khi chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên than thở về chi phí không chính thức, ngược hẳn với nhóm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI hay các đại gia mới nổi... Chắc hẳn, nguyên nhân không chỉ do nhóm doanh nghiệp nói trên được miễn nhiễm với những thủ tục “hành là chính”, kiểu 1 tháng có 4 đoàn thanh, kiểm tra.
Sẽ vẫn có nhiều hy vọng nếu những đại gia ở Việt Nam đang kinh doanh những lĩnh vực tạo ra của cải vật chất và dẫn dắt hay tạo ra sức lan tỏa trong nền kinh tế. Còn nếu đại gia chủ yếu giàu nhờ đất, nhờ tận dụng được những kẽ hở của chính sách mà lại chiếm dụng hầu hết các nguồn lực thì dẫu có thuốc thần cũng không thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành động lực cho nền kinh tế như đang kỳ vọng.
“Nếu không có những hành vi lẽ ra phải được định danh là tham nhũng chính sách, liệu có những siêu đại gia?’’, câu hỏi của ông Nguyễn Văn Đực liệu có thể khiến các nhà quản lý phải tư duy sâu hơn về cơ chế hiện nay.
Cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực chống tham nhũng của các cấp lãnh đạo. Thực tế tội phạm tham nhũng tăng cao cả về số vụ lẫn số bị can được ghi nhận trong Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 có là dấu hiệu về việc quyết tâm trừng phạt đích đáng những hành vi này. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa được tiếp cận những thông tin rõ ràng, cụ thể về tính chất, mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc. Nhất là khi câu hỏi trách nhiệm về các đại dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng không chỉ của ngành công thương vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Câu hỏi ẩn
Thể hiện tâm tư của người dân, những lời tâm huyết về vấn nạn tham nhũng đã liên tục được cất lên tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội ngày 6.11. Các vị đại biểu Quốc hội không ngần ngại nói thẳng, có hay không tham nhũng trong bổ nhiệm công chức, để những người kém lại được trao quyền hành dân và doanh nghiệp? Tại sao không chống được tham nhũng khi muốn thực hiện nỗ lực này, phải có quyền lực, nghĩa là hoàn toàn có thể khoanh vùng nơi khu trú của “bệnh dịch” này?
Hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai tài sản hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp. Trong những chất vấn này, người ta nghe ra cả một câu hỏi ngầm liệu cơ thể này có sẵn sàng chịu đau đớn để khoét tận gốc ung nhọt tham nhũng?
Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri, Viện Phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, đưa ra 3 giải pháp, phải thực hiện đồng bộ. Thứ nhất là phòng, nghĩa là, không để lọt những kẽ hở về mặt quản lý và chính sách để cán bộ, công chức có cơ hội tham nhũng. Thứ hai là có chế tài trừng phạt đích đáng, những lợi ích do tham nhũng mang lại không lớn bằng hậu quả mà hành vi này gây ra. Đồng thời, phải cải cách chế độ tiền lương, để cán bộ, công chức có thể sống bằng lương.
“Nghĩa là phải thay đổi từ cách thức tuyển dụng nhân sự, đúng người đúng việc, không chịu sự chi phối, tác động của những yếu tố khác. Đồng thời, người chịu trách nhiệm phải có quyền lực thực thi nhiệm vụ của mình, vì thế, phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi sai trái’’, vị chuyên gia đề xuất.
Đây chính là cách thức quản lý phù hợp với một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Khi động cơ hiệu quả được đặt lên hàng đầu trong hoạt động của nền kinh tế, đương nhiên, chất lượng quản lý sẽ được cân đo. Những mắt xích vận hành không hiệu quả phải bị thay thế, nhường chỗ cho những người có lòng tự trọng và đủ năng lực. Đường rất xa và cũng là độc đạo, bởi chỉ khi đó, Việt Nam mới có nội lực để vững vàng đứng trên đôi chân của mình
Hoàng Hạnh
Theo Nhipcaudautu.vn