Tình trạng đường truyền yếu hay mất tín hiệu bất chợt thường hay xảy ra do có lượt truy cập quá nhiều hoặc vì một vài lý do nào đó từ nhà cung cấp Internet. Có thể do một số nhà cung cấp dịch vụ Internet có băng thông giảm nên việc tốc độ mạng bị gián đoạn, giật lag hay tệ hơn là mất mạng Wifi Internet. Điều này chắc chắn khiến chúng ta cực kỳ khó chịu khi công việc đòi hỏi mạng Internet phải nhanh và trơn tru lại dừng đột ngột.
Doanh nghiệp Việt 'run lẩy bẩy' khi tranh chấp thương mại ở nước ngoài
- Cập nhật : 05/08/2018
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam trong buổi “Gặp gỡ giữa các tân Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài với các doanh nghiệp”.
Ông Tuấn cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam khi ra thị trường quốc tế thường bị cạnh tranh khốc liệt và cũng thường bị đối tác gây thiệt hại về kinh tế bằng nhiều cách khác nhau. Chính vì vậy, các doanh nghiệp rất cần có những vị đại sứ am hiểu luật pháp, văn hóa nước sở tại để tư vấn, bảo vệ quyền lợi.
“Chúng tôi xuất khẩu xơ sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đến khi trục trặc, tranh chấp với các đối tác thì phải cãi nhau bằng tiếng Thổ. Giải trình, cung cấp tài liệu, điều trần cũng bằng tiếng Thổ. Việt Nam thì có mấy người biết tiếng Thổ nên chúng tôi không biết làm thế nào. Tranh chấp như vậy là thua rồi”, ông Tuấn nói.
Các doanh nghiệp tại TPHCM đã có buổi gặp gỡ với các tân Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh: Đại Việt
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp đã phải cạnh tranh ở thị trường trong nước, đến khi ra nước ngoài tranh chấp thương mại thì cũng “yếu, run lẩy bẩy”. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất mong được các Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại các nước bảo vệ quyền lợi khi bước ra thị trường quốc tế.
Ví dụ cụ thể về những việc cần hỗ trợ, ông Tuấn cho rằng, hiện nay, 1kg bông có giá là 2 USD nhưng thành sợi là 3,5 USD/kg, thành vải là 10 USD/kg, thành áo thì 1kg vải đó sẽ có giá trị 30 USD. Nếu tự thiết kế được thì giá trị sẽ lên tới 60 USD. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất xơ sợi, dệt may rất muốn đại sứ tại Italia hỗ trợ các doanh nghiệp có các cuộc tham quan các mô hình tại kinh đô thời trang này.
“Các đại sứ cũng có thể kết nối với chính quyền tại Italia để nhờ họ hỗ trợ sản xuất mẫu vải, bởi việc sản xuất mẫu vải rất quan trọng. Nếu không sản xuất được mẫu vải thì không thể sản xuất vải số lượng lớn được, mà không sản xuất được vải thì sao mà phát triển được thời trang”, ông Tuấn đề nghị.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ, thành phố có 320.000 doanh nghiệp với 5 triệu TEU hàng hóa xuất khẩu mỗi năm nhưng khi được hỏi “Sản phẩm tiêu biểu của TPHCM là gì?” thì lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp đều không trả lời được. Chính vì vậy, doanh nghiệp và lãnh đạo TPHCM sẽ phải ngồi lại cùng nhau để tìm ra câu trả lời trong thời gian tới.
Theo ông Trần Việt Anh, việc xúc tiến thương mại, tìm người mua, người bán là việc làm thường xuyên và là truyền thống của các tham tán thương mại, đại sứ và các đại diện ở nước ngoài.
Việc tiếp theo mà các vị đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cần làm đó là giải quyết các tranh chấp về thương mại trong thời đại 4.0. Bởi, việc mua bán diễn ra 100 lần thì cũng có 5 – 10 lần tranh chấp.
Khi xảy ra tranh chấp với các đối tác nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam thường rất lúng túng nên rất cần sự hỗ trợ của các Đại sứ, Tổng lãnh sự.
“Hiện tại thì nhiều doanh nghiệp mua hàng, bán hàng nhưng khi thanh toán thì tiền không về tài khoản công ty. Doanh nghiệp bị hacker dùng toàn bộ email của hệ thống nhân viên và phòng ban xuất nhập khẩu làm việc với đối tác nước ngoài. Hacker thường yêu cầu đối tác chuyển tiền về một tài khoản giả mạo khác mở tại Phnôm Pênh, Campuchia. Chuyện này đang xảy ra rất là nhiều và gây lúng túng cho những nhà xuất khẩu Việt Nam”, ông Trần Việt Anh nói.
Cũng theo ông Trần Việt Anh, doanh nghiệp rất cần được các Đại sứ hỗ trợ về tranh chấp về thương mại, hỗ trợ về đầu tư ở nước ngoài như: làm nhà máy, mở văn phòng… Các doanh nghiệp mong muốn những vị đại diện của Việt Nam tại nước ngoài có thể tìm kiếm được các nhà quản trị ngoại quốc giỏi, chuyên biệt và đưa nguồn lực đó về Việt Nam.
Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ông Nam và 19 Đại sứ, Tổng lãnh sự đã lắng nghe và ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: Đại Việt
Theo ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản kiêm nhiệm Cộng hòa Quần đảo Mác – San, các Đại sứ, Tổng lãnh sự sẽ lắng nghe và ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp tại địa bàn TPHCM.
Đây là cơ sở để các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, tìm cơ hội đầu tư, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế trong nước.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và không phân biệt doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp các nước vào Việt Nam thì chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu đối tác nước ngoài như xem doanh nghiệp đó có thật hay không, tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp đó như thế nào…”, ông Vũ Hồng Nam nói.
Theo Đại Việt - Công Quang/ Dân trí