Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương sẽ trên tinh thần hỗ trợ cơ chế để hoạt động trở lại, nhưng cũng tính đến phương án cho phá sản hoặc bán đối với các dự án không có khả năng hoạt động.
Dự án đường 5 kéo dài: Sai phạm nặng nề về tài chính
- Cập nhật : 15/04/2016
(Tin kinh te)
Hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng liên quan tới quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được dồn nén tại Dự án đường 5 kéo dài (đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long) đã biến công trình hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất trong dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long này trở thành ví dụ mang tính kinh điển về lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp trong quản lý đầu tư công.
Sai phạm dắt dây
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, hầu hết các gói thầu xây lắp chính của Dự án đường 5 kéo dài đều vấp phải tình trạng vỡ tiến độ, với thời gian thực hiện hợp đồng lên tới 6 - 7 năm. Ngoài hệ lụy dễ thấy nhất là công trình chậm đưa vào khai thác, làm giảm hiệu quả đầu tư, việc kéo dài thời hạn thi công vượt quá hợp đồng gốc tại một số gói thầu đã dẫn tới sai phạm tài chính liên quan tới điều chỉnh giá cho các khối lượng hoàn thành.
Được biết, tổng số tiền sai phạm tài chính tại Dự án là 657,9 tỷ đồng, trong đó số tiền đã được khẳng định là 273,667 tỷ đồng.
Gói thầu xây dựng cầu dẫn phía Đông Anh (cầu Đông Trù) đã phải 3 lần gia hạn tiến độ thi công, nhưng không làm rõ các nguyên nhân để xử lý. Ảnh: Đức Thanh
Thanh tra Chính phủ cho biết, sai phạm tại các gói thầu khá đa dạng, từ việc không chấp hành tiến độ thi công của nhà thầu đối với diện tích mặt bằng đã được bàn giao; khối lượng chậm thực hiện vẫn được điều chỉnh giá qua các lần nghiệm thu với tổng số tiền là 116,4 tỷ đồng tại các gói thầu số: 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15, 14, 24… đến sai sót 2,09 tỷ đồng trong tính toán cấp phối bê tông nhựa đối với gói thầu số 10, 11, 14, 15.
Ví dụ rõ nét nhất chính là công tác triển khai Gói thầu số 12 - xây dựng cầu dẫn phía Đông Anh (cầu Đông Trù), đoạn tuyến Km 14 +200 – Km 14+700 do Tổng công ty xây dựng Thăng Long trúng thầu, với giá trị hợp đồng là 331,8 tỷ đồng. Theo hợp đồng gốc, gói thầu này phải hoàn thành vào tháng 9/2008, nhưng đến thời điểm thanh tra (năm 2014), nhà thầu vẫn chưa thể hoàn thành. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã phải 3 lần gia hạn tiến độ thi công, nhưng đều không làm rõ các nguyên nhân để xử lý trách nhiệm.
Đến thời điểm tháng 4/2009, khi phần lớn diện tích mặt bằng đã được bàn giao, đủ điều kiện thi công, nhưng nhà thầu vẫn không triển khai thực hiện, kéo dài đến tận năm 2012 mới bắt đầu huy động thiết bị, máy móc để làm dứt điểm. Điều đáng nói là, Ban quản lý dự án Tả Ngạn lại tiến hành điều chỉnh giá cho những khối lượng hoàn thành các giai đoạn bị trễ tiến độ thuộc trách nhiệm của nhà thầu không đúng quy định, gây lãng phí hơn 48 tỷ đồng.
“Những sai phạm này vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng và các quy định tại khoản 1, Điều 2, Thông tư 08/2010/TT - BXD ngày 29/7/2010; khoản 3.3, Mục 3, Thông tư 09/2008/TT - BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng; mục 3, Điều 28 Nghị định số 12/2009/NĐ - CP về quản lý chất lượng công trình và các quy định của Luật Đấu thầu”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu tiến hành giảm trừ thanh quyết toán đối với việc điều chỉnh giá dự toán theo tiến độ và mặt bằng thi công thực hiện không đúng quy định ở các gói thầu với số tiền là 111,7 tỷ đồng thuộc các gói thầu số 6, 7, 8, 9, 10, 11, 14, 15A, 24.
Đền bù chưa trúng, đúng
Trong các năm: 2005, 2006, 2007, UBND TP. Hà Nội đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất thuộc quy hoạch Dự án đường 5 kéo dài, với diện tích 142,2 ha, trong đó ô quy hoạch thuộc gói thầu số 18 (khu đất 2 bên đường tuyến Quốc lộ 5 kéo dài, phục vụ đấu giá tạo nguồn kinh phí) thu hồi 23,13 ha. Bên cạnh những khó khăn “kinh điển” về đền bù, di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, công trình công cộng thường thấy ở Thủ đô, sự thiếu kiên quyết của các đơn vị liên quan thuộc UBND TP. Hà Nội đã khiến công tác GPMB của Dự án kéo dài tới 9 năm, tới tận năm 2014 mới cơ bản hoàn thành, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, làm tăng tổng mức đầu tư công trình.
Bên cạnh đó, việc bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư tại Dự án thực hiện không đúng, trúng, trong đó, việc chi trả tiền hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân sai quy định lên tới 77 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy việc TP. Hà Nội hỗ trợ cho các hộ có đất bị thu hồi nhỏ hơn 30% đất nông nghiệp được giao là không đúng quy định, gây lãng phí ngân sách nhà nước với số tiền là 38,7 tỷ đồng, trong đó sai phạm về hỗ trợ ổn định đời sống là 22,51 tỷ đồng (gồm huyện Đông Anh là 15,58 tỷ đồng; quận Long Biên là 6,93 tỷ đồng); sai phạm về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 16,2 tỷ đồng (huyện Đông Anh là 11,291 tỷ đồng, quận Long Biên là 4,95 tỷ đồng). Điều đáng nói là, số tiền đã chi trả cho các hộ dân, do vậy, “khả năng thu hồi” theo Thanh tra Chính phủ là không có.
Sai sót này thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn, UBND huyện Đông Anh, quận Long Biên, Ban GPMB thành phố và UBND TP. Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hà Nội thu hồi số tiền bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định là 38,3 tỷ đồng, gồm: hỗ trợ cho Nhà máy Z133 là 21,723 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ, GPMB khi thu hồi đất để giao cho T504, Bộ Quốc phòng là 10,5 tỷ đồng; bồi thường công trình cho UBND phường Thượng Thanh, quận Long Biên là 6,09 tỷ đồng về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ để xử lý.
“UBND TP. Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân (các thời kỳ) liên quan và có hình thức xử lý theo quy định, nhất là trong trách nhiệm chỉ đạo quản lý theo phân công, phân cấp trong suốt quá trình triển khai Dự án dẫn đến phải tăng tổng mức đầu tư, lãng phí ngân sách, hiệu quả đầu tư thấp”, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó tổng thanh tra Chính phủ đề xuất.
Anh Minh
(Theo Báo Đầu Tư)