tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chặn thất thoát nguồn vốn đầu tư từ ngân sách

  • Cập nhật : 14/10/2015

(Tai chinh)

Tính đến hết tháng 12/2014, tổng số nợ XDCB đã xử lý được 42.312 tỷ đồng; trong đó, các bộ, ngành Trung ương xử lý được 2.035 tỷ đồng; các địa phương là 40.277 tỷ đồng.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi NSNN- Kho bạc Nhà nước (KBNN) Vũ Đức Hiệp cho rằng, trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, để đảm bảo cân đối nguồn thu và chi hợp lý trên nguyên tắc đáp ứng nhu cầu chi trả của đơn vị sử dụng ngân sách cũng như chủ đầu tư, KBNN kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương quản lý chặt chẽ việc tạm ứng, thanh toán và sử dụng vốn đầu tư ở các dự án, công trình đảm bảo đúng quy định.

Tốc độ giải ngân chậm

Tính đến ngày 30/9/2015, tổng vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN ước 165.416,6 tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch vốn năm.

Trong đó, vốn xây dựng cơ bản (XDCB) tập trung giải ngân là 103.805,9 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch vốn năm; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân là 39.119,2 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch; nguồn vốn khác giải ngân là 22.491,5 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch vốn năm KBNN nhận được từ cơ quan tài chính.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối chỉ 52 tỷ đồng, số tiền từ chối này là do chủ đầu tư đề nghị thanh toán những việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định, quyết định đầu tư phê duyệt sau ngày 31/10/2014.

Lý giải cho tốc độ giải ngân chậm, theo ông Vũ Đức Hiệp, một phần do cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng thời gian qua có nhiều thay đổi và có hiệu lực thi hành từ năm 2014, 2015.

Có thể kể tới Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu; các Nghị định của Chính phủ và điều này dẫn đến những dự án, công trình triển khai trong năm 2015 đã phần nào bị ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện, giải ngân, do phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng...

Mặt khác, chậm do ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều công trình bị ngưng trệ. Nhất là trong thời điểm cuối năm, hầu hết các tỉnh khu vực phía Nam đang trong mùa mưa nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai thi công công trình.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB trong những tháng còn lại của năm 2015, Bộ Tài chính đã chỉ đạo KBNN bảo đảm nguồn vốn kịp thời thanh toán cho các công trình khi có đủ điều kiện.

Về phía hệ thống KBNN cam kết hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán, kịp thời báo cáo ngay những vấn đề vượt thẩm quyền để Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

“Hiện nay, KBNN đã tiến hành triển khai thí điểm quy trình giao dịch điện tử thông qua dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN. Thực hiện rà soát quy trình kiểm soát chi NSNN, quy trình luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư XDCB nhằm rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư trong nội bộ hệ thống KBNN để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho chủ đầu tư ”- Ông Vũ Đức Hiệp nói.

Nợ đọng XDCB tăng

Trong báo cáo về kết quả xử lý nợ XDCB của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy, thông qua kết quả tổng hợp từ các bộ, ngành và địa phương, tổng số nợ XDCB phát sinh trong 2 năm (2013-2014) là 10.393 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 12/2014, tổng số nợ XDCB đã xử lý được 42.312 tỷ đồng; trong đó, các bộ, ngành Trung ương xử lý được 2.035 tỷ đồng; các địa phương là 40.277 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng số nợ XDCB tính đến ngày 31/12/2014 chưa xử lý là 56.969 tỷ đồng, bằng 32% dự toán vốn NSNN đầu tư phát triển năm 2015; trong đó nguồn vốn NSNN là 50.358 tỷ đồng của 24.429 dự án chưa xử lý.

Theo báo cáo chỉ có 25 bộ, ngành và 4 địa phương không còn nợ đọng XDCB; có 5 bộ, ngành và 17 địa phương giảm nợ XDCB.

Nhìn vào quá trình xử lý nợ đọng của những năm trước, trong các năm 2013 và năm 2014 các bộ, ngành và địa phương vẫn để phát sinh nợ đọng XDCB (tính đến ngày 31/12/2014 số nợ đọng XDCB là 56.969), tăng 10.393 tỷ đồng, tăng 23% so với nợ đọng thời điểm tháng 12-2012 (46.576 tỷ đồng).

Theo Bộ Tài chính, đối với các bộ, ngành và địa phương không còn nợ đọng XDCB là do trong quá trình xử lý nợ đã thực hiện ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ khối lượng năm trước, các khoản tạm ứng, ứng vốn đầu tư trong các năm kế hoạch, các dự án sau quyết toán còn thiếu vốn, các dự án thực hiện chuyển tiếp từ năm trước năm kế hoạch sang năm kế hoạch.

Trên cơ sở bố trí vốn đủ cho các ưu tiên trên, nếu còn vốn mới cân đối cho các dự án khởi công mới thực sự cấp bách, nguyên tắc bố trí vốn đối với các dự án khởi công mới phải đảm bảo tỷ lệ bố trí vốn tối thiểu theo quy định và tuân thủ các quy định về trình tự đầu tư, đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm.

Đối với bộ, ngành và địa phương còn nợ đọng XDCB và có số nợ đọng cao trên 1.000 tỷ đồng là do khả năng cân đối vốn của Nhà nước các cấp chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư dẫn tới tình trạng vốn không bố trí đủ theo tiến độ, thậm chí công trình đã đấu thầu nhưng không đảm bảo vốn để thực hiện.

Bên cạnh đó, hiện tượng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của NSNN đã diễn ra từ lâu và trên phạm vi rộng nhưng hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này không đủ sức ngăn chặn kịp thời…

Để xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB trong năm 2015, Bộ Tài chính đề xuất phương án giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương đôn đốc thực hiện xử lý nợ đọng.

Về phía Bộ Tài chính chỉ đạo hệ thống KBNN tiếp tục thực hiện việc thu hồi tạm ứng đối với các dự án có số dư tạm ứng vốn đầu tư lớn, một số dự án tạm ứng kéo dài từ nhiều năm, đặc biệt số dư tạm ứng đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có biện pháp đôn đốc thu hồi quyết liệt.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ không xem xét cho phép các dự án đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014 và các năm trước được kéo dài thời gian thực hiện, thanh toán sang năm 2015.

Thực hiện rà soát, điều hòa, điều chỉnh, chuyển kế hoạch vốn đầu tư năm 2015 từ những dự án chậm tiến độ thực hiện sang cho những dự án đã có khối lượng thực hiện được thực hiện chậm nhất đến hết tháng 10-2015. Sau thời điểm này không xem xét, chấp thuận việc điều hòa, điều chỉnh kế hoạch nữa, nhằm hạn chế việc chạy kế hoạch vào những tháng cuối năm.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục