tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ tịch nước: 'Không phải vào TPP là kinh tế lập tức hóa rồng'

  • Cập nhật : 14/10/2015

(Thuong mai)

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhiệm vụ trước mắt của Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, thay vì chờ đợi "phép thần" từ TPP.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những nội dung được quan tâm khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri quận I (TP HCM) hôm nay (12/10).

Đại diện cử tri, Giáo sư Tăng Kim Tây bày tỏ vui mừng vì sau hơn 5 năm đàm phán, TPP trở thành hiện thực đối với 12 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. “Đây là cơ hội để kinh tế phát triển mạnh, song cũng có rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp”, ông Tây bày tỏ và đặt vấn đề giới kinh doanh Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận TPP hay chưa, vì nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà.

Cùng quan điểm, cử tri Phạm Bá Lữ (phường Đakao) cho biết rất mừng khi Việt Nam tham gia hiệp định TPP. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lo ngại khi các doanh nghiệp FDI đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu của Việt Nam. "Để phát triển kinh tế, chúng ta cần tranh thủ đầu tư nước ngoài để có vốn, học tập kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ cao. Song thực tế thời gian qua, khi ngành thuế kiểm tra có đến hơn 700 doanh nghiệp FDI trốn thuế, chiếm 40% số tiền phải truy thu", ông Lữ lo lắng và cho rằng trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài nhanh hơn, đi tắt đón đầu, khai thác các hiệp định... thì nguy cơ kinh tế phụ thuộc vào khối FDI là rất lớn.

chu tich nuoc truong tan sang tiep xuc cu tri quan i sang 12/10. anh: huu cong

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận I sáng 12/10. Ảnh: Hữu Công

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải hội nhập kinh tế quốc tế, tìm thêm, mở rộng thị trường bên ngoài để gia tăng tốc độ xuất khẩu, giúp phát triển đất nước. Vì vậy, Việt Nam đã đàm phán để ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, TPP không phải là chiếc đũa thần kỳ.

"Mình vào nhà người ta được thì cũng phải mở cửa cho người ta vào, và không phải mình đi một mình mà các thành viên khác cũng đi cùng. Cho nên, để giành thắng lợi, không gì khác hơn là nền kinh tế của ta phải có tính cạnh tranh cao, năng suất, chất lượng hiệu quả chứ không còn con đường nào khác", Chủ tịch nước cho biết và khẳng định không thể có một TPP vừa ký xong sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh thành rồng, mà chính mình phải xây dựng một nền kinh tế hiệu quả cao.

"Chính mắt tôi nhìn thấy và giật mình khi biết nhờ khoa học - công nghệ, nước ngoài họ sản xuất một vụ cà chua năng suất lên đến 800-1.000 tấn, còn ở ta mới vài ba chục tấn đã phấn khởi rồi. Không lẽ, mình đóng cửa suốt đời? Người ta giàu có còn mình nghèo mạt? Tại sao người ta làm được mà mình làm không được, chưa được?...", Chủ tịch nước đặt một loạt câu hỏi.

Lãnh đạo Nhà nước đồng thời cũng chỉ rõ trong cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay, FDI chiếm gần 70% ở các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp. "Chúng ta không phản đối, vì có những thời điểm rất cần nguồn vốn FDI, nhưng nếu cứ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ là một nền kinh tế phụ thuộc", ông nói, đồng thời khẳng định Việt Nam phải dung hòa mối quan hệ này, kết bạn hội nhập nhưng phải xây cho mình một nền kinh tế mạnh.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục