tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phải minh bạch nếu xóa nợ thuế 
cho doanh nghiệp nhà nước

  • Cập nhật : 22/09/2015

(Doanh nghiep)

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đề nghị xóa nợ cho các doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị cho DN nhà nước được xóa nợ tiền thuế. Đó là những DN thực hiện sắp xếp lại được xóa nợ thuế khi có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Ngoài ra, DN nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu. Số tiền nợ thuế của DN nhà nước đề nghị được xóa nợ lên tới vài trăm tỉ đồng.

Ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho biết Luật quản lý thuế hiện hành đã được bổ sung, sửa đổi về xóa nợ. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa phản ánh được thực tế khách quan về những trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là khoản nợ phát sinh của các DN phá sản, giải thể và bỏ trốn do chưa giải quyết dứt điểm những khoản nợ cũ.

Ngoài ra, không ít DN nhà nước không thể cổ phần hóa được do nợ thuế, thậm chí có DN còn bị mất hết vốn. Trước đó năm 2014 khi sửa Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội nhưng chưa được Quốc hội thông qua, nay Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, đặt vấn đề nếu DN nhà nước làm ăn thua lỗ được xóa nợ, các DN tư nhân thua lỗ và gặp khó khăn có được xóa nợ thuế hay không? “Nếu chỉ xóa nợ thuế cho DN nhà nước là không công bằng. Một đồng tiền thuế cũng là tiền thuế của dân. Nên Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo và quyết định việc này” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, trường hợp buộc phải xóa nợ thuế của DN nhà nước vì không thể thu hồi được, cơ quan quản lý cũng cần phải minh bạch và công khai thông tin đó là khoản nợ của DN nào, việc xử lý lãnh đạo của DN nhà nước đó ra sao. “Nhà nước giao vốn cho anh quản lý kinh doanh mà để DN lỗ mất vốn, nợ thuế là khó có thể chấp nhận được, cần phải bị xử lý” - ông Long nói.

Đề xuất xóa cả nợ tiền phạt do chậm 
nộp thuế

Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế những khoản nợ trước ngày 1-7-2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2015.

Để được xóa nợ, DN gặp khó khăn khách quan phải đáp ứng một trong các tiêu chí là DN cung ứng hàng hóa dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách.

Song do chưa được Nhà nước thanh toán nên DN không có nguồn để nộp thuế trước ngày 1-1-2015. Hoặc DN có đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng dẫn đến DN không có nguồn để trả nợ thuế và tiền phạt chậm nộp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của khoản thuế mà người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản. Thực tế, theo ông Phạm Đình Thi, số tiền nợ thuế của DN bỏ kinh doanh, đã phá sản là 9.000 - 10.000 tỉ đồng. Thời gian qua, cơ quan thuế đã áp dụng mọi biện pháp để thu hồi mà không được.

 

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục