Cho rằng việc hạ lãi suất tiền gửi USD của NHNN xuống 0% chỉ mang tính kỹ thuật nhằm chống đô la hóa song theo ANZ, chính sách tiền tệ sẽ còn được nới lỏng do tác động từ suy thoái kinh tế khu vực.
Việt Nam, điểm sáng thị trường mới nổi?
- Cập nhật : 28/09/2015
(Kinh doanh)
Tờ Financial Times nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng ít ỏi hiện nay ở khu vực thị trường mới nổi, với tăng trưởng cao và ổn định.
Bài viết của cây bút Steve Johnson hôm 22/9 dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu Capital Economics cho thấy Việt Nam là một trong số ít những nước trong nhóm thị trường mới nổi với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 cao hơn tăng trưởng kinh tế trung bình trong 5 năm qua.Nhóm này chỉ bao gồm 5 nước là Hungary, Cộng hòa Czech, Romania, Ba Lan và Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 40% trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2014, gấp đôi mức tăng trưởng của Ba Lan, trong khi Romania, Cộng hòa Szech và Hungary, gần như không có tăng trưởng GDP trong khoảng thời gian này.
Bài viết cũng dẫn dự báo của hãng khảo sát Consensus Economics cho rằng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 6,1% trong năm nay và 6,2% trong năm 2016. Chỉ tiêu tăng trưởng cho cả năm 2015 được chính phủ Việt Nam đặt ra là 6,2%, tuy nhiên hồi tháng Sáu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,4%. Mới đây, Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào mức 6,5% trong năm 2015 và 6,6% trong năm 2016.
Trả lời Financial Times, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, tỏ ra lạc quan hơn khi đánh giá Việt nam có thể đạt tăng trưởng 6,5% trong năm nay và gần 7% vào năm sau."Đây là nền kinh tế duy nhất đang tăng tốc mà tôi biết", ông được dẫn lời nói.
Thay thế Trung Quốc
Bài viết cho rằng điều giúp Việt Nam 'thách thức lực hút trái đất trong lúc những nước khác đang rơi vào vũng lầy', là nhờ sự thành công trong việc thu hút những việc làm với mức lương thấp mà Trung Quốc đang muốn bỏ lại phía sau.
"[Việt Nam] đang hưởng lợi ích khổng lồ do chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc", ông Gareth Leather, kinh tế gia khu vực châu Á của Capital Economics được dẫn lời nói."Các nhà đầu tư [tại Trung Quốc] đang muốn chuyển hoạt động sản xuất sản phẩm giá rẻ sang những nước khác, chủ yếu là tại châu Á," ông nói."[Việt Nam] đã hội nhập vào dây chuyền cung ứng ở miền nam Trung Quốc [trong những lĩnh vực] như dệt may và gia công sản phẩm giá rẻ. Trung Quốc thực sự không còn muốn phải đi sản xuất áo thun nữa", ông nói thêm. Ông Leather cũng cho rằng tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam vẫn còn kéo dài."
Việt Nam giống Trung Quốc, có lẽ là 15-20 năm trước", ông nói."Họ vẫn có một lượng lao động dư thừa từ nông thôn đang chuyển lên làm việc tại thành thị cũng như các nhà máy. Điều này cũng giúp giữ cho giá lao động rẻ".
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố trong tháng Chín ghi nhận việc xuất khẩu của khối FDI chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu.Theo đó, xuất khẩu của khối này đạt hơn 72,35 tỷ đôla, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm. Các mặt hàng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm chủ yếu là điện thoại và linh kiện, đạt 20,18 tỷ đôla, theo sau là hàng dệt may, các sản phẩm điện tử và linh kiện.
Việt Nam cũng là một trong số ít những nước hưởng lợi từ động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, ông Scriven nhận định, do điều này giúp sản phẩm nước này nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn.
Một trong các yếu tố khác khiến Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là do có một thị trường chứng khoán bị định giá thấp hơn các nước trong khu vực, bên cạnh một số biện pháp cải cách trong thời gian gần đây như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay gỡ bỏ giới hạn sở hữu 49% đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Scriven cho biết. "Chúng ta đang chứng kiến một nền kinh tế tăng tốc nhờ sự phục hồi và cải cách, bên cạnh một thị trường bị định giá thấp", ông nói.
Rủi ro
Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng thị trường Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bài viết dẫn lời ông Leather đề cập đến lịch sử quản lý yếu kém của chính phủ, với các chính sách tiền tệ lỏng lẻo, dẫn đến sự bùng nổ vốn vay cho các dự án chất lượng kém, làm lạm phát tăng cao.
Ông cho rằng Việt Nam đang trải qua sự phục hồi 'theo chu kỳ'."Tài khoản vãng lai đã chuyển từ thặng dư sang thâm hụt tương đương 4,4% GDP và dự trữ ngoại tệ khá thấp [chỉ tương đương với ba tháng nhập khẩu vào cuối năm 2014]", ông nói.
Ông Leather cũng đề cập đến việc Việt Nam phải phá giá VND nhiều lần trong năm nay và cho rằng lạm phát có thể quay trở lại, kéo theo việc tăng lãi suất. Bênh cạnh đó, hệ thống ngân hàng, vốn vừa trải qua khủng hoảng năm 2011, cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn với tỷ lệ nợ xấu có lẽ là lên đến 15%, ông cho biết thêm.