Với 23 ngàn dòng thuế được cắt giảm về 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh về thương mại, ngược với xu hướng chậm lại của hoạt động buôn bán trên thế giới.
Thủ tướng: “Nếu trông chờ ngân sách thì không có cây số cao tốc nào đâu”
- Cập nhật : 05/01/2016
(Kinh te)
“Hiện tại, ngành Giao thông Vận tải đã làm được hơn 700km đường cao tốc. Từ nay đến năm 2020, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu có trên 2.000km đường cao tốc. Nếu trông chờ ngân sách thì không có cây số cao tốc nào đâu,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) diễn ra chiều ngày 4/1/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến tham dự và đề nghị Bộ GTVT tập trung chỉ đạo huy động nhiều nguồn lực đầu tư trong đó có nguồn vốn ngân sách ngoài xã hội đồng thời với nguồn lực ngân sách của Chính phủ để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Báo cáo tại hội nghị, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, trong 4 năm thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW (giai đoạn 2011-2015), Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được 186.660 tỷ đồng (trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Trong giai đoạn 2011-2015 đã thu hút, ký kết được 6.241 triệu USD vốn ODA cho 33 dự án (tổng số vốn ODA đã ký kết được đến nay là 18.460 tỷ USD cho 133 dự án).
Bộ GTVT cũng đã rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... giúp tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư các dự án, đã có 704km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt 104 km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra. Ngoài ra, ngành đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m dài cầu đường bộ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng chỉ ra hàng loạt các khó khăn về nguồn vốn ODA dành cho phát triển hạ tầng giao thông ngày càng giảm sút sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.
Đặc biệt, các hình thức huy động vốn khác bị hạn chế do ảnh hưởng đến quy mô trần nợ công. Các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng chậm được đổi mới, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro (rủi ro doanh thu, rủi ro tỷ giá...) theo thông lệ quốc tế nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức PPP; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) cho phát triển hạ tầng còn hạn chế.
Đưa ra mục tiêu triển khai trong giai đoạn từ 2016-2020, ngành giao thông sẽ đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000km đường cao tốc trong đó cơ bản nối thông cao tốc Bắc-Nam; hoàn thành và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu; cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (tiếp tục hoàn thành 601km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến).
Đồng tình với các báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải với những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, 5 năm qua, ngành GTVT huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng từ trước đến nay với tổng số 327.000/379.000 tỷ đồng, riêng đường bộ huy động được 186.000/202.000 tỷ đồng.
“Chặng đường này, nước ta xây dựng nhiều công trình giao thông đồng bộ, hiện đại như cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân-Nội Bài, Nhà ga T2… đường cao tốc làm hơn 600km trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn về nguồn vốn, lạm phát tăng. Nguồn vốn ngoài ngân sách là nguồn lực quyết định đầu tư nhất, không chỉ ở đô thị mà còn cả ở giao thông nông thôn. Nguồn lực ngân sách những năm tới cũng chỉ có hạn, muốn đầu tư đồng bộ hạ tầng thì phải huy động nguồn lực ngoài xã hội trong và ngoài nước vào đầu tư. Muốn làm được thì phải có cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tải tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực ngoài xã hội đồng thời với nguồn lực của Chính phủ để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bởi nếu chờ ngân sách Nhà nước thì còn rất lâu.
“Hệ thống đường cao tốc 5 năm tới làm gần 2.000km, nếu chờ ngân sách thì không có cây số cao tốc nào đâu. Đường sắt cố gắng nâng cao chất lượng hiệu quả theo hướng cổ phần hóa, mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội. Riêng khổ đường sắt 1435mm đoạn nào hiệu quả tính toán huy động vốn để làm nhằm hợp lý hóa vận tải hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.