Quản lý sử dụng đất và việc chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang diễn ra nhiều lỗ hổng pháp lý, đặc biệt là DNNN được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí “vàng” có giá trị thương mại cao khiến Nhà nước có khả năng thất thoát lớn tiền ngân sách.
Doanh nghiệp tư nhân đói vốn
- Cập nhật : 14/05/2017
Để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, một trong những giải pháp lớn là tạo khả năng tiếp cận nguồn lực về vốn
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến hết quý I/2017 tăng 6,2% so với cuối năm ngoái, trong đó khu vực ngân hàng (NH) tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm tới gần 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường tài chính.
Thiệt thòi so với khu vực khác
Kết quả nghiên cứu, khảo sát từ 500 doanh nghiệp (DN) trong nhóm 500 DN lớn nhất Việt Nam vào cuối năm 2016, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết 100% các DN được hỏi đều đang sử dụng vốn vay từ NH khi việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn, không còn sự phân biệt của NH trong việc lựa chọn cho vay giữa DN quốc doanh hay tư nhân. Nhưng rào cản là mức lãi suất còn cao và khó giảm; nhà nước chưa có chính sách hạn chế tín dụng cho bất động sản nên đã ảnh hưởng đến thanh khoản cho tín dụng vào sản xuất, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay…
Trong khi đó, khu vực DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ lại gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy đến cuối năm 2016, chỉ khoảng 30% DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn, còn lại khoảng 70% DN "đói" vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh.
Có một thực tế, khu vực DN nhà nước được hưởng nhiều ưu ái, được cấp vốn từ ngân sách nhà nước, được tạo điều kiện nhiều hơn so với DN tư nhân trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, vốn ODA và vốn vay từ nước ngoài. Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, DN nhà nước có thể được vay vốn không cần tài sản thế chấp hoặc được Chính phủ bảo lãnh bằng cách này hay cách khác; có thể được tiếp cận vốn cho vay theo chỉ định hoặc được nhà nước hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau như khoanh nợ, giãn nợ. Đây là điều mà DN tư nhân không dám nghĩ tới.
Bài toán tìm vốn chưa có lời giải khiến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng kém Ảnh: Tấn Thạnh
Ngay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp từ tập đoàn, công ty mẹ ở nước ngoài hoặc lãi suất của các nước trong khu vực thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Trong khi đó, khu vực DN tư nhân trong nước lại gặp quá nhiều rào cản trong tiếp cận vốn, do thói quen thiếu minh bạch về tài chính, kế toán, thiếu tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh không khả thi hoặc dự án không đủ thuyết phục NH thương mại rót vốn... DN cũng chưa quan tâm hoặc chưa tiếp cận được các kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư, quỹ bảo lãnh tín dụng...
Nếu làm ăn hiệu quả, không khó vay vốn
Giám đốc một DN quảng cáo cho biết lâu nay quảng cáo thuộc nhóm ngành dịch vụ nên chưa được nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn như các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn. DN chủ yếu dựa vào vốn NH nhưng gặp trở ngại về tài sản thế chấp, không có tài sản thế chấp và không thể thế chấp bằng các công trình, hợp đồng quảng cáo. Kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán chưa được tính đến bởi liên quan nhiều đến các yêu cầu về minh bạch thông tin, giấy tờ sổ sách kế toán.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (thương hiệu Miti), chia sẻ hiện nay Miti đã chủ động được khoảng 80% vốn, chỉ đi vay 20% mà còn khó vì không có nhiều tài sản thế chấp. Nếu được vay vốn dài hơn, Miti sẽ chủ động hơn trong các kế hoạch đầu tư phát triển và mở rộng thị trường.
"Tới thời điểm này, những tín hiệu trên thị trường hàng tiêu dùng đang đặt DN vào 2 bài toán khó: Liệu có hấp thụ được vốn để bung ra không hay phòng thủ chặt chẽ vì cạnh tranh thị trường quá khốc liệt, sức mua chưa cải thiện bao nhiêu. Những DN muốn phát triển, tăng quy mô thì thiếu vốn, không vay được nên đành "bó chân, bó tay". Còn DN chậm đổi mới tư duy, vẫn theo cách làm cũ, thiếu minh bạch trong sổ sách kế toán... nên không thể huy động vốn từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư" - ông Kiên nhận xét.
Ở góc độ NH thương mại, nhiều lãnh đạo NH khẳng định sẵn sàng rót vốn nếu DN chứng minh được hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phương án kinh doanh có lãi hoặc sổ sách kế toán, tài chính minh bạch. Nhưng thực tế, phần lớn DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này nên phải có tài sản thế chấp khi vay vốn hoặc tiếp cận được vốn nhưng mức lãi suất cao hơn.
Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM dẫn câu chuyện giải cứu ngành chăn nuôi heo mới đây và cho biết nếu có những DN trong ngành chăn nuôi đi sâu vào khâu chế biến sản phẩm từ thịt heo, NH sẵn sàng cho vay. "Chẳng hạn, món thịt xông khói gần như có mặt ở khắp các nhà hàng, khách sạn nhưng có DN Việt nào thu mua thịt heo giá rẻ của nông dân để sản xuất, chế biến đâu. NH chỉ cho vay những dự án có hiệu quả. Theo tôi, vốn chỉ là câu chuyện sau cùng, lãi suất cũng là sau cùng bởi vấn đề quan trọng là DN phải làm ăn hiệu quả, nâng tầm hoạt động của mình để minh bạch hơn" - vị tổng giám đốc này chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:
Liệu cơm gắp mắm
Thực trạng hiện nay là các DN tư nhân khó có thể trông chờ vào nguồn vốn nào khác ngoài tín dụng NH. Điều kiện để được xét cho vay vốn là DN phải thành lập ít nhất 3 năm trở lên, có lãi và có tài sản thế chấp. Điều này giải thích vì sao các DN mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn trong việc gọi vốn. Những DN đã hoạt động vài năm thì gặp khó về tài sản thế chấp, báo cáo tài chính… Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là nhiều DN kêu cần tiền, thiếu tiền nhưng không có kế hoạch "xài" tiền cho mục tiêu sản xuất, kinh doanh cụ thể, không có dự án khả thi nên NH không dám cho vay. Thống kê hiện nay tỉ lệ nợ xấu đối với khách hàng là DN nhỏ và vừa đã lên đến 5%, các NH sợ tiếp tục cho vay sẽ phát sinh thêm nợ xấu nên phần nào dè chừng, thẩm định gay gắt hồ sơ vay của DN nhỏ và vừa, DN tư nhân. Trong khi đó, kênh hỗ trợ vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng chưa hoạt động hiệu quả, chưa thật sự giúp ích cho DN. Giải pháp tốt nhất để giải bài toán vốn cho DN tư nhân là liệu cơm gắp mắm, có thể huy động vốn từ nhân viên, bạn bè và có kế hoạch tài chính phù hợp.
Ông Văn Đức Mười, nguyên Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM:
Cần chính sách riêng cho kinh tế tư nhân
Hội nghị Trung ương 5 có nghị quyết đề cập đến việc xóa bỏ định kiến đối với kinh tế tư nhân, đồng nghĩa với việc thừa nhận lâu nay có định kiến với thành phần kinh tế này. Năm 2016, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp là chính phủ hành động và kiến tạo. Tuy nhiên, đến nay vấn đề gỡ nút thắt vốn cho DN tư nhân vẫn còn bị bỏ ngỏ. Việc triển khai chính sách của các bộ, ngành còn lúng túng, đan chéo nhau vào chưa kịp thời nên vẫn còn vướng mắc. Vòng luẩn quẩn kéo dài: DN có năng lực không cần vay vốn luôn được chào mời vay vốn, DN "khát" vốn không đủ điều kiện vay cũng không thể huy động vốn từ các nguồn khác. Lâu dần, họ ức chế vì thiếu vốn, ngày càng nhỏ hơn và khó có cơ hội "lớn" lên được. Muốn kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, nhà nước phải có chính sách riêng cho kinh tế tư nhân, cụ thể là luật tài chính, luật tín dụng và bảo lãnh tín dụng đủ lớn cho khu vực kinh tế đông đảo này.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến:
Thay đổi để bớt lệ thuộc vốn ngân hàng
Gỡ vốn cho DN là câu chuyện muôn thuở, đã nói đi nói lại nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Với bản thân DN, ngoài việc đổi mới, khắc phục những hạn chế trong quản trị, tài chính, có hướng phát triển rõ ràng và đổi mới sáng tạo để tìm cơ hội thu hút vốn từ các nguồn khác, bớt lệ thuộc vào NH thì DN rất cần được nhà nước hỗ trợ giảm hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, hình thức cho vay linh hoạt hơn. Thông qua chính sách vĩ mô, DN rất cần các NH thương mại nghiên cứu mạnh dạn đầu tư cho vay tín chấp nhiều hơn và chuyển dịch một phần vốn dành cho kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân. Quan trọng hơn là cần một môi trường kinh tế lành mạnh, công khai, minh bạch, nhà nước tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia vào đầu tư công, từ đó tạo động lực cho DN mạnh dạn đầu tư làm ăn.
P.An - L.Anh ghi
THANH NHÂN - THÁI PHƯƠNG
Theo nld.com.vn