Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong quý 1 nhờ tích cực đẩy mạnh cho vay. Một số ít có được lợi nhuận cao nhờ hoạt động dịch vụ.
Đầu tư tư nhân vẫn lạc quan
- Cập nhật : 09/05/2017
78% ý kiến phản hồi vẫn nhận định tích cực về nền kinh tế cũng như về triển vọng đầu tư tư nhân tại Việt Nam trong 12 tháng tới.
Thảm họa môi trường do Formosa gây ra, thiên tai bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - đang trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm, Hiệp định TPP không được thông qua... Mặc cho những sóng gió này, khảo sát tháng 3.2017 của Grant Thornton cho thấy, 78% ý kiến phản hồi vẫn nhận định tích cực về nền kinh tế cũng như về triển vọng đầu tư tư nhân tại Việt Nam trong 12 tháng tới.
Thay đổi khẩu vị
Biểu hiện rõ nét là tổng vốn FDI đăng ký mới năm 2016 đạt 15,8 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015 và là mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Theo đánh giá của Grant Thornton, đó là nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước như Hàn Quốc, Nhật, EU, Nga. Ngoài ra, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) thành lập cũng kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội đầu tư hơn.
So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có mức độ hấp dẫn đầu tư cao thứ hai, chỉ sau Myanmar. Trong đó, với dân số gần 95 triệu người, sự phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu cùng những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, ngành thực phẩm và đồ uống trở thành ngành thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Golden Gate là một trường hợp thành công ở lĩnh vực này. Chỉ sau 8 năm nhận vốn góp từ Mekong Capital, Công ty đã phát triển lên thành 150 nhà hàng khắp cả nước.
Ngành bán lẻ cũng hấp dẫn dòng vốn đầu tư không kém. Sự phát triển của thương mại điện tử, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, kênh phân phối, những thay đổi trong văn hóa và thói quen mua sắm đã thu hút những ông lớn bán lẻ quốc tế đến Việt Nam như Emart, AEON, Big C, Lotte, 7-Eleven... Ngoài ra, nhà đầu tư còn quan tâm đặc biệt đến ngành y tế - dược phẩm, vận chuyển - kho vận.
Sắp tới, theo hầu hết những người tham gia khảo sát, trong lĩnh vực đầu tư tư nhân ở Việt Nam, hoạt động mua sẽ nhiều hơn bán. Giới đầu tư đồng tình, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chính là nguồn cung cấp lớn nhất cho các thương vụ. Cơ sở để nhà đầu tư đưa ra nhìn nhận này là dựa trên con số doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2016 quá ít, chỉ 55 đơn vị trong khi năm trước đó tới 220 công ty. So với mục tiêu phải cổ phần hóa 430 doanh nghiệp vào năm 2016 thì Việt Nam đã chậm trễ. Vì thế, cuối năm ngoái, Nhà nước đã ban hành Quyết định 58 nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa.
Điều này cũng cho thấy, khẩu vị đầu tư tư nhân năm 2017 đã thay đổi, không còn ưa chuộng nguồn hàng đến từ các công ty tư nhân/gia đình hay thoái vốn của các tập đoàn như trước. Thực tế, cổ phần hóa đã và đang tạo nhiều cơ hội cho đầu tư tư nhân thâm nhập vào các lĩnh vực chủ đạo của Việt Nam như viễn thông, kinh doanh xăng dầu, cơ sở hạ tầng và bán lẻ. Theo dự kiến, các hoạt động cổ phần hóa trong năm 2017 sẽ tập trung nhiều vào chất lượng hơn là số lượng.
Tham gia tích cực nhất trong sân chơi M&A năm 2017 được dự báo là các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài. Riêng các quỹ đầu tư trong nước, hay nhà đầu tư chiến lược... sẽ vẫn tham gia nhưng với mức độ khiêm tốn hơn.
Tuy nhiên, để tiến tới ký kết thương vụ, cần sự thúc đẩy từ 3 yếu tố quan trọng: tăng trưởng kinh tế, cơ hội ngành và gia tăng cơ hội đầu tư. Thông thường, giao dịch sẽ dễ thành công hơn khi nhà đầu tư tư nhân có thể tận dụng những hiểu biết và kinh nghiệm ngành, cũng như những mối quan hệ trong ngành. Cũng vậy, với dòng vốn FDI tăng nhanh, nếu doanh nghiệp nào có thể tận dụng tốt các FTA và triển vọng kinh tế phát triển mạnh, đơn vị đó hứa hẹn trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư tư nhân trong năm 2017. Ngược lại, thương vụ sẽ không thể diễn ra nếu đôi bên có sự khác biệt trong kỳ vọng về giá cũng như từ chối chia sẻ rủi ro giao dịch.
Những lực cản
Việt Nam hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài vì đội ngũ lao động dồi dào, chi phí thấp, và đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Nhưng điều khiến nhà đầu tư trăn trở vẫn là câu chuyện tham nhũng, cơ sở hạ tầng và trình độ quản trị còn non kém ở nhiều doanh nghiệp Việt. Vào tháng 1.2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam là 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Xét trên thang điểm của CPI, Việt Nam vẫn chưa tạo ra thay đổi đột phá đối với cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công. Tình trạng hối lộ, can thiệp chính trị, tiền bôi trơn, việc thực thi pháp luật còn yếu cũng như cách giải thích pháp luật còn chưa nhất quán, vấn nạn quan liêu trong thủ tục hành chính... luôn khiến giới đầu tư quan ngại. Đây đã và sẽ còn là lực cản cho Việt Nam, theo khảo sát của Grant Thornton.
Lực cản kế tiếp là cơ sở hạ tầng - yếu tố đứng thứ 2 về mức ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư. Nhà đầu tư đã bày tỏ quan ngại về số lượng lớn dự án hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, về áp lực chính trị, mức kinh phí khai khống khi đề xuất duyệt dự án và đầu tư không thu lại hiệu quả cao. Giới đầu tư cũng quan ngại về vấn đề quản trị điều hành ở doanh nghiệp. Để hoạt động hiệu quả, các công ty cần một đội ngũ quản lý có kỹ năng và trình độ phù hợp. Tuy nhiên, chất lượng lao động ở nhiều nơi lại không đạt yêu cầu. Đây được xem là mối đe dọa lớn cho các nhà đầu tư tư nhân. Đó là lý do ngày càng nhiều nhà đầu tư muốn tăng cường tham gia quản trị ở các công ty mà họ rót vốn. Họ cũng muốn cử đại diện tham gia vào kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.
Các lực cản nêu trên đều liên quan đến minh bạch trong hoạt động. Đây lại là yếu tố quyết định đến lựa chọn đầu tư, hơn cả những băn khoăn về dự báo tăng trưởng, dòng tiền... Vì thế, để thu hút dòng vốn đầu tư tư nhân, theo Grant Thornton, Việt Nam cần cấp bách cải thiện khía cạnh này để giúp nhà đầu tư vững tin khi thực hiện những thương vụ kinh doanh ở Việt Nam.
Ngoài ra, xu hướng đầu tư tư nhân năm nay sẽ nghiêng về các doanh nghiệp có khả năng đạt tỉ suất hoàn vốn cao. Mức tỉ suất hoàn vốn tối thiểu kỳ vọng là 15-18%, thậm chí trên 22%. Sự thay đổi này cho thấy, mặc dù tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế, nhưng dường như nhà đầu tư đang nhìn nhận rủi ro đầu tư cũng tăng cao, do đó mong muốn bù đắp bằng mức tỉ suất hoàn vốn cao hơn.
Năm nay, hoạt động thoái vốn ở đầu tư tư nhân sẽ không khác biệt nhiều so với năm 2016. Hình thức thoái vốn ưa chuộng sẽ vẫn là kênh IPO, bán cho nhà đầu tư trong ngành và qua sàn chứng khoán.
Viết Nguyên
Theo nhipcaudautu.vn