Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra nhiều chỉ số tài chính ở tầm quốc gia như nợ công, chi thường xuyên của bộ máy... vẫn còn chưa phù hợp.
Sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam nằm chót bảng Đông Nam Á
- Cập nhật : 15/05/2017
Ngân hàng Natixis của Pháp đã đưa ra nhiều cảnh báo về tỷ lệ đòn bẩy và khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp Việt Nam
Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng trên 6% mỗi năm (trừ quý I/2017 vừa rồi chỉ đạt 5,1%). Chính phủ Việt Nam đã duy trì đà gia tăng này bằng cách biến nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao. Việt Nam đã trở thành một lựa chọn giá rẻ thay thế cho Trung Quốc, đối với những doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất tại châu Á.
Những khoản đầu tư nước ngoài cũng thúc đẩy sự phát triển của các công ty nội địa, từ đó làm gia tăng xuất khẩu và số lượng việc làm. Chu kỳ phát triển này đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhà báo Ralph Jennings bình luận, câu chuyện phát triển thần kỳ của Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều trở nga nếu các doanh nghiệp trong nước tiếp tục vay những khoản nợ đầy rủi ro để phát triển kinh doanh.
Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho biết trong báo cáo tháng này rằng "những vết nứt đang xảy ra ở mức độ vi mô" và nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam nằm chót bảng về sức khỏe doanh nghiệp, theo xếp hạng ASEAN Corporate Monitor của Natixis. Theo giải thích của ngân hàng này, các công ty Việt Nam có khả năng thanh toán nợ rất kém, tỷ lệ đòn bẩy cao và phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn.
Natixis cũng đặt dấu hỏi về việc giữa lúc lãi suất cao và có nhiều hạn chế trong việc tìm vốn dài hạn, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tăng cường đầu tư, với mức tăng cao nhất khu vực. Một số công ty vẫn đi vay vốn khi nhu cầu toàn cầu giảm vào cuối năm 2016. Nhiều công ty trong số này thuộc nhóm doanh nghiệp quốc doanh, "nổi tiếng" về sự trì trệ và kém hiệu quả. Theo Natixis, vấn đề chính ở đây là liệu các khoản đầu tư này có được dành cho các dự án sinh lời, để đem lại tăng trưởng cao hơn trong trung hạn và bù đắp cho thiệt hại sức khỏe doanh nghiệp trong ngắn hạn. Natixis cũng cảnh báo "dù còn quá sớm để ước lượng xem lợi nhuận từ làn sóng đầu tư này là bao nhiêu, có khá nhiều lý do để lo lắng".
Ảnh hưởng của đòn bẩy đối với hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam là "tiêu cực", theo một nghiên cứu thực hiện trên 147 công ty niêm yết trong giai đoạn 2006 - 2014, được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Kinh tế và Tài chính (IJEF) của Canada. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gọi mức độ tập trung nợ doanh nghiệp ở các công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao của Việt Nam là “nghiêm trọng”. Nợ tư nhân đã vượt lên trên 100% GDP kể từ năm 2011, khiến cho Việt Nam trở thành một ngoại lệ đáng chú ý ở châu Á.
Một số công ty phụ thuộc vào nợ vay, có nghĩa là họ sử dụng các khoản vay để theo đuổi các dự án với kì vọng có đủ lợi nhuận để rồi phải trả nợ cộng với lãi. Nếu không được vay, các công ty này sẽ không có tiền để đầu tư cho những dự án đó. Chiến lược này đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty nhà nước, hiện chiếm gần 28,8% GDP cả nước. Các công ty bất động sản cũng "đang hoạt động rất tích cực trên thị trường" và tận dụng đòn bẩy "khá nặng", đó là đánh giá của ông Frederick Burke, giám đốc chi nhánh Việt Nam của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie. Còn theo IMF, ở châu Á các công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao thường là các công ty ít có khả năng sinh lời và tính thanh khoản thấp.
Natixis cho rằng tỷ lệ nợ xấu thực của Việt Nam (phần chấm bi) có thể cao hơn nhiều so với số liệu chính thức (phần bên dưới). Ảnh: Natixis
Nếu các khoản vay được dùng để xây các tòa tháp chung cư không tìm được người mua hoặc các dự án tương tự như vậy, nhiều công ty có thể sẽ không trả được nợ. Giả sử tình huống trên xảy ra với hàng loạt công ty trong nhiều ngành khác nhau, điều đó có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam cũng ý thức được rủi ro này, và đang cố gắng cắt giảm các khoản nợ xấu bằng cách cho phép các định chế tài chính bán nợ cho Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Tỷ lệ nợ xấu chính thức đã giảm xuống gần mức mục tiêu 3% vào năm 2015, nhưng một số ước tính lại cho thấy một con số cao hơn.
Thực ra, cũng ít có nhà phân tích nào bi quan tới mức dự báo sự đổ vỡ trong nay mai, mà chỉ cảnh báo rằng đây là một nguy cơ đang gia tăng trong những năm tới. Hiện tại, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam có thể cải thiện quan điểm của các nhà đầu tư, và từ đó có thể có lợi cho các dự án dùng nhiều đòn bẩy. Ông Burke nói thêm: "Cũng có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tăng trưởng lành mạnh của Việt Nam”.
Quỳnh Như
Theo nhipcaudautu.vn