Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Đây là tổng hợp kết quả kiểm toán của 276 báo cáo kiểm toán tại 204 đơn vị được kiểm toán trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015.
'Kẽ hở' khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến ngân sách thất thoát
- Cập nhật : 17/05/2017
Quản lý sử dụng đất và việc chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang diễn ra nhiều lỗ hổng pháp lý, đặc biệt là DNNN được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí “vàng” có giá trị thương mại cao khiến Nhà nước có khả năng thất thoát lớn tiền ngân sách.
Mập mờ tính giá trị đất, không đấu giá khi cổ phần hóa
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Việc chỉ đích danh 60 dự án đất "vàng" có tổng diện 834.000 m2 nằm trong diện thanh tra khi chuyển đổi mục đích sử dụng thành cao ốc, trung tâm thương mại để bán và cho thuê được xem là biện pháp mạnh, không ngại “đụng chạm” lợi ích kinh tế trong quản lý đất đai. Trong đó có những dự án đã hoàn thành hạng mục công trình, có dự án đang thi công hoặc chuẩn bị đầu tư.
Những danh sách công ty nằm trong nghi án đã được Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng cho thanh tra vì có dấu hiệu làm thất thu ngân sách nhà nước bởi kết quả rà soát ban đầu cho thấy, việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất.
“Hiện hồ sơ và danh sách đã được gửi cho Thanh tra Chính phủ xem xét để phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai”, một cán bộ Bộ Tài chính nói.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế từ ngày 1/7/2014 đến 30/11/2016, có 60 trường hợp DNNN, DNNN cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nổi bật là các dự án cao ốc 104 Nguyễn Văn Cừ (Quận 1), cao ốc Res 11 (Quận 11), cao ốc 128 Hồng Hà (Quận Phú Nhuận), dự án 334 Tô Hiến Thành (Quận 10), 8 Hoàng Minh Giám (Quận Phú Nhuận), 15 Thi Sách (Quận 1)...Tại Hà Nội có những dự án bị “điểm mặt” là 36 Phạm Hùng, 25 Vũ Ngọc Phan, 53 Triều Khúc, 60B Nguyễn Huy Tưởng...
Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ra từng trường hợp cụ thể, ví dụ dự án của Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam tại 504 Nguyễn Tất Thành, Phường 18, Quận 4 chuyển đổi 4.785 m2 đất sản xuất kinh doanh sang cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ. Theo quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận giá đất của dự án này là 50,9 triệu đồng/m2, toàn bộ hơn 4.785 m2 có giá trên 103 tỷ đồng.
Dự án thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại 128 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận chuyển đổi 4.300 m2 đất sản xuất kinh doanh sang thương mại dịch vụ và căn hộ có giá đất chỉ 28,4 triệu đồng/m2. Đặc biệt tại Hà Nội có dự án chuyển đổi gần 15.500 m2 đất tại 148 Giảng Võ của Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền các dự án trên phải nộp cho ngân sách hơn 5.360 tỷ đồng, trong đó khoảng 700 tỷ đồng vẫn chưa được nộp. Ngoài ra, còn có một loạt dự án chưa có quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là tổng số diện tích đất đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 834.000 m2 - từ đất sản xuất kinh doanh sang cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê có mức giá phê duyệt rất thấp so với giá thị trường.
Có ý kiến nêu, đơn cử, giá đất giao dịch thực tế quanh khu vực 60B Nguyễn Huy Tưởng lên đến 90 - 100 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 3 lần so với giá đất mà Hà Nội phê duyệt cho dự án này. Còn tại địa chỉ 60B Nguyễn Huy Tưởng, khu đất hiện đang thực hiện dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư có tên chung cư cao cấp PVV Tower, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex và Tổng công ty Dược Việt Nam…
Dư luận cho rằng: Trong 60 dự án mà Bộ Tài chính thống kê, giá đất vàng được phê duyệt để xây cao ốc cao cấp chỉ 20 - 40 triệu đồng/m2 là quá thấp. Vì đất ở ngay mặt đường thông thường đã hàng trăm triệu đồng/m2.
Theo kết quả rà soát ban đầu, việc xác định giá trị doanh nghiệp lại không tính giá trị quyền sử dụng đất; không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện sắp xếp lại nhà đất được UBND tỉnh cho chuyển đổi mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không đấu giá theo quy định.
Việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường; việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Trước tình hinh này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan tới thất thoát tài sản Nhà nước
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần xác định đúng đối tượng cần thanh tra ở các dự án này là rất quan trọng. Nếu Bộ Tài chính nghi ngờ nhà nước đã bị thất thoát tài sản từ vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất các dự án thì phải chỉ rõ các công ty đã được giao đất trước đó là ai? Nếu có thì phải thanh tra quy trình chuyển đổi có đúng quy định hay chưa.
Theo Luật sư Đức, khi thực hiện cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp có bỏ sót, có định giá thấp để tài sản bị thất thoát thì người ký phê duyệt thẩm định giá sẽ phải chịu trách nhiệm…
“Nếu xác định có hành vi trục lợi khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ các khu đất vàng thì ai là người ký quyết định thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay nếu cần là thanh tra xử lý những tổ chức, cá nhân nào cố ý làm trái các quy định trước khi bán ra thị trường hoặc thực hiện cổ phần hóa DNNN”, ông Đức nói.
Trước thông tin nhiều người mua nhà lo lắng dự án sau thanh tra sẽ bị định giá lại, dân tốn thêm chi phí hoặc thủ tục mua bán cũng như làm sổ đỏ sẽ gặp trục trặc, một số luật sư cho rằng: Khi dự án đã được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được cấp phép xây dựng và được đưa ra bán trên thị trường thì đã được pháp luật công nhận. Người mua nhà hay chủ đầu tư dự án không có lỗi gì cả. Bộ Tài chính cần phải đính chính hoặc làm rõ thông tin này để người dân không còn hoang mang.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc Bộ Tài chính đưa ra 60 dự án lần này bước đầu chỉ rõ những bất cập trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Bên cạnh xác định đúng giá đất được chuyển đổi, cần làm rõ trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc định giá tài sản, nhất là đất đai trong doanh nghiệp cổ phần hóa rất sơ sài. Do vậy, những thông tin về định giá phải được công bố minh bạch. Tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải đưa ra đấu giá công khai mới đảm bảo thu về cho Nhà nước giá trị lớn nhất.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, một cán bộ đầu tư của doanh nghiệp nhà đô thị thuộc nhà nước nói: "Cổ phần hóa thực chất là chuyển tài sản từ sở hữu công cho các thành phần kinh tế khác và làm sao để Nhà nước bán được tài sản với giá cao nhất. Do vậy, cần sửa quy định không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp (nếu là đất thuê trả tiền hằng năm); cần gộp đất đai vào các tài sản khác tạo thành tổng tài sản của doanh nghiệp".
Minh Phương/Báo Tin Tức