Kinh tế đang trên đà phục hồi, song chất lượng tăng trưởng thấp do duy trì mô hình cũ quá lâu... là những vấn đề được đại biểu chỉ ra khi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 2/11.
Nợ lớn, tăng áp lực siết đầu tư
- Cập nhật : 23/03/2016
(Tin kinh te)
Khoảng 2,1 triệu tỷ đồng sẽ được phân bổ cho đầu tư phát triển (ĐTPT) giai đoạn 2016-2020. Nhu cầu chi lớn như vậy được đặt trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khó khăn, nợ vay đã lớn đang tạo áp lực cho việc phân bổ vốn cho các công trình dự án.
“Góp nhặt” vốn cho đầu tư phát triển
Theo tính toán phân bổ, trong khoản 2,1 triệu tỷ đồng (tương đương 25,6% tổng chi ngân sách) nói trên có: hơn 200.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, 8.000 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất, 150.000 tỷ đồng dự kiến thu từ bán cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại các DN...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguồn chi ĐTPT như trên chỉ là định hướng trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vì còn phụ thuộc nhiều vào khả năng thu của NSNN, tiến độ bán vốn Nhà nước tại DN hàng năm. Do vậy, trong thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ sẽ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định dự toán chi ĐTPT cụ thể hàng năm.
Theo ông Dũng, tổng nhu cầu vay của NSNN chưa bao gồm vay về cho vay lại của giai đoạn 2016-2020 bình quân 450.000 tỷ đồng/năm, riêng năm 2020 là 540.000 tỷ đồng. “Con số này là rất khó thực hiện. Đặc biệt từ năm 2017 phải huy động trái phiếu Chính phủ từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết số 78 của Quốc hội và Nghị quyết số 99 của Quốc hội”, ông Dũng nói.
Đánh giá về bố trí vốn cho giai đoạn tới, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, vốn ĐTPT nguồn NSNN tập trung giai đoạn 2016-2020 là 2,1 triệu tỷ đồng là mức hợp lý trong điều kiện cân đối NSNN còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, Chính phủ cũng cần phấn đấu tăng quy mô thu để có thêm nguồn dành cho chi ĐTPT.
Thừa nhận nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối nguồn, ông Hiển cũng đề nghị Chính phủ xác lập trật tự ưu tiên, thu hẹp định hướng đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực, phù hợp với khả năng cân đối vốn; lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho các dự án, trong đó có các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, công trình trọng điểm nhóm A...
Việc xây dựng danh mục dự án, dự kiến phương án bố trí vốn cần bám sát các quy định của Luật Đầu tư công, thể hiện số liệu cụ thể cho từng năm, từng ngành, từng lĩnh vực.
Để giám sát hiệu quả đối với việc phân bổ vốn ĐTPT, theo ông Hiển, đối với 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ của giai đoạn 2014-2016, Chính phủ cần tổng hợp, báo cáo phần vốn còn thiếu theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt của 17 dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi giai đoạn 2012- 2015, ưu tiên bố trí vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của giai đoạn 2011-2016 cho các dự án này.
Cùng với đó, trong số 200.000 tỷ đồng huy động giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cần ưu tiên bố trí đủ phần vốn còn thiếu để hoàn thành dứt điểm 17 dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo Phụ lục số 3 Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13. Trong trường hợp còn nguồn, Chính phủ cần xây dựng tiêu chí, nguyên tắc, xác lập trật tự ưu tiên, dự kiến danh mục, phương án phân bổ cụ thể cho từng dự án, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Nâng cao kỷ luật trong đầu tư công
Trước khó khăn huy động nguồn vốn cho ĐTPT giai đoạn tới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cần phải được cơ cấu lại nguồn vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo bước chuyển đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; vốn ĐTPT nguồn NSNN tập trung vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia; sử dụng vốn NSNN với vai trò là nguồn vốn khởi đầu mang tính kích thích, hướng dẫn để khai thác tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế khác; thắt chặt và nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; ban hành hệ thống các giải pháp khả thi, hiệu quả và thực thi nghiêm túc các chế tài xử lý khi xảy ra các sai phạm trong đầu tư công.
Về nguyên tắc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, theo ông Hiển, Chính phủ cần lưu ý một số nguyên tắc. Như tiếp tục thu hẹp hơn các lĩnh vực, dự án để đảm bảo tập trung nguồn lực hơn, xây dựng trật tự ưu tiên; hạn chế bố trí vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trụ sở cơ quan chưa thật cấp thiết; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các công trình khắc phục biến đổi khí hậu, chống khô hạn, xâm ngập mặn tại các tỉnh ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ vốn vay ODA, các khoản vay ODA phải nằm trong kế hoạch và được dự toán, khắc phục tình trạng vay vốn ODA tràn lan, không tính đến hiệu quả chung của nền kinh tế. Đối với vốn trái phiếu Chính phủ tập trung cho 17 dự án trọng điểm đã có trong nghị quyết của Quốc hội và các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và an ninh, quốc phòng, không nên mở rộng cho các lĩnh vực khác, chỉ bố trí vốn cho các dự án từ nhóm B trở lên.
Riêng với nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của DNNN và vốn thu được từ cổ phần hóa cần dành toàn bộ cho ĐTPT theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ tập trung cho các công trình trọng điểm của quốc gia trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nhất là đường cao tốc Bắc Nam, các công trình thủy lợi vùng, liên vùng phục vụ cho sản xuất và chống hạn từ nhóm A trở lên.
Cũng theo cơ quan giám sát tài chính, Chính phủ cần tổng hợp đầy đủ, cụ thể số nợ đọng xây dựng cơ bản và số vốn ứng trước của từng bộ, ngành và địa phương để làm căn cứ phân loại, xác lập thứ tự ưu tiên bố trí vốn, phương án trả nợ, nguồn trả nợ.
Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, đối ứng ODA, các dự án chuyển tiếp thì kiên quyết không cho khởi công các dự án mới, không có ngoại lệ để xác lập kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn ĐTPT, tạo sự chuyển biến căn bản trong quản lý đầu tư công.
Hà My
(Thời báo Ngân hàng)