tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Triển vọng Việt Nam 2016 dưới góc nhìn Deutsche Bank: Kỳ vọng vào đầu tư nhà nước

  • Cập nhật : 23/03/2016

(Tin kinh te)

Theo Ngân hàng Deutsche Bank, rủi ro chính của Việt Nam là việc xuất khẩu của thế giới giảm tốc khiến đồng VND có thể bị mất giá trong thời gian tới, khi các đồng tiền của những đối tác thương mại khác cũng giảm giá.

Bộ phận nghiên cứu thuộc Ngân hàng Deutsche Bank của Đức vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế Châu Á, trong đó đánh giá rằng đầu tư của nhà nước tăng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu đang tăng trưởng chậm lại, nhưng điều này cũng đồng thời làm dấy lên lo ngại về tình hình tài khóa của Việt Nam.

Trong báo cáo của mình, Deutsche Bank cho rằng xuất khẩu và doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm lại đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong quý I/2016.

Các số liệu cho đến nay cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP trong trong quý I này có thể giảm đáng kể xuống chỉ còn khoảng 6% từ mức 7,2% đạt được trong quý IV/2015. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này không thay đổi so với quý I/2015.

Kinh tế giảm tốc chủ yếu do diễn biến đáng thất vọng của hoạt động xuất khẩu và doanh số bán lẻ.

Deutsche Bank cho biết tốc độ tăng trưởng xuất khẩu theo năm của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 đã giảm mạnh xuống mức 2,9% từ mức 4,5% ghi nhận trong quý IV/2015 và mức 8,5% đạt được vào quý I/2015.

Nhập khẩu còn diễn biến xấu hơn khi giảm 5,2% trong 2 tháng đầu năm 2016, ngược với mức tăng 2,2% trong quý IV và mức 19,8% của quý I năm ngoái. Tệ hơn nữa, nhập khẩu giảm không chỉ do tăng trưởng xuất khẩu yếu, mà còn do nhu cầu trong nước yếu đi. Doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 7,9% của quý IV/2015 và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2 con số là 13,8% của quý I/2015.

Theo Deutsche Bank, nhập khẩu yếu không chỉ do xuất khẩu yếu và giá hàng hóa thấp, mà còn do nhu cầu nội địa bị kìm hãm, dù cơ sở so sánh cũng là một phần nguyên nhân.

Nhập khẩu ô tô – một thước đo về nhu cầu nội địa - giảm 6,7% trong 2 tháng đầu năm 2016, ngược với mức tăng mạnh 43% và 189,8% trong quý IV và quý I năm trước, khi chính phủ có kế hoạch tăng thuế đối với giá ô tô bán lẻ thay vì chi phí sản xuất. Doanh số bán ô tô năm ngoái đạt mức tăng 55%, nhưng trong tháng 1 năm nay chỉ tăng 36,5%.

Trong khi đó, nhập khẩu máy móc giảm 21,1% trong 2 tháng đầu năm 2016, trong khi tăng 3,5% vào quý IV/2015 và tăng vọt 47,9% trong quý I/2015.

Sản xuất cũng tăng trưởng chậm lại nhưng chủ yếu do ngành khai khoáng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của sản lượng công nghiệp trong 2 tháng đầu năm đã giảm xuống mức 10,6% từ mức 11,5% của quý IV và 11,4% của quý I/2015, khi ngành khai khoáng giảm xuống còn 1,6% từ mức lần lượt là 2,7% và 6,9%.

Ngược lại, ngành chế biến chế tạo vẫn khá tốt khi tăng 13,8% trong 2 tháng đầu năm, bằng với tốc độ của quý IV/2015 và cao hơn tốc độ 12,7% của quý I/2015. Chỉ số PMI vẫn ở mức trên 50 điểm, cho thấy ngành chế biến chế tạo vẫn tăng trưởng.

Tuy nhiên, có một điểm tích cực là đầu tư của nhà nước tăng trưởng nhanh hơn và đang tỏ ra là một điểm sáng của nền kinh tế. Deutsche Bank dự báo đầu tư nhà nước sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế trong năm nay.

Số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của đầu tư nhà nước đã tăng mạnh lên mức 15% trong 2 tháng đầu năm 2016, cao hơn so với mức 11,1% của quý IV và mức 3,7% của quý I năm 2015. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân cũng tăng khá với mức 15,4% trong 2 tháng, thấp hơn mức 39,5% trong quý IV nhưng cao hơn mức 2,1% của quý I năm ngoái.

Sự tăng tốc trong đầu tư nhà nước này là chỉ báo tích cực cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Deutsche Bank cho rằng điều này cũng làn dấy lên những lo ngại về tình trạng tài khóa khi nợ công đang tiệm cận ngưỡng giới hạn do chính phủ tự đặt ra là 65% GDP.

Với rủi ro và cơ hội đối với triển vọng tăng trưởng cân bằng khi các chính sách vĩ mô tích cực giúp cân đối đà giảm tốc của xuất khẩu, Deutsche Bank dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Chính phủ trước đó đặt ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 7% cho năm nay và mục tiêu này dự kiến sẽ được quốc hội thông qua trong kỳ họp đang diễn ra từ ngày 21/3 đến 9/4 này.

Deutsche Bank cũng đưa ra dự báo cho đồng VND. Ngân hàng này cho rằng đồng VND có thể sẽ giảm giá trở lại so với đồng USD, bên cạnh sự mất giá của các đồng tiền đối thủ khác.

Các công cụ chính sách tiền tệ tích cực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không chỉ có mục tiêu lãi suất và tăng trưởng tín dụng (18-20% trong năm 2016, cao hơn so với mức 15-17% năm 2015), mà còn có cả đồng VND.

Deutsche Bank cho rằng thời điểm hiện tại gần như không có lo ngại về lạm phát, nhưng vẫn nên thận trọng với khả năng tăng tốc của tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là cho vay bất động sản, trong bối cảnh vẫn chưa có một giải pháp có ý nghĩa cho vấn đề xử lý nợ xấu. Theo đó, ngân hàng này cho rằng đồng VND sẽ vẫn là công cụ chính sách chính.

Tuy nhiên, việc phá giá đồng VND có thể là một cách làm khá bấp bênh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang chuẩn bị tăng lãi suất và Trung Quốc khả năng sẽ hạ lãi suất trong nửa cuối năm nay, khiến đồng Nhân dân tệ biến động mạnh hơn.


Trung Nghĩa  
Theo Người Đồng Hành

Trở về

Bài cùng chuyên mục