Nợ xấu cao được công bố trên 17% vào tháng 9/2012. Mới đây, Thủ tướng cho biết, nợ xấu xuống còn 2,9% vào tháng 9/2015. Với người trong giới ngân hàng, bỏ qua những tranh cãi con số thì nợ xấu là một khối nguy cơ, là một quá trình tích lũy cách đây 5 – 10 năm và việc xử lý nó cũng là lộ trình đầy trả giá.
Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam
- Cập nhật : 11/03/2016
(Tin Kinh Te)
Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen vừa công bố kết quả khảo sát mới nhất về người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, người dân 6 quốc gia trong khu vực đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
Đặc biệt điều này tạo nên một làn sóng nhu cầu các sản phẩm cao cấp và tốc độ tăng trưởng của phân khúc cao cấp đã tăng nhanh gấp đôi so với các phân khúc khác.
Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc công ty Nielsen Việt Nam cho biết, thị phần của phân khúc sản phẩm cao cấp khu vực Đông Nam Á đến tháng 1/2016 đã tăng 21% so với phân khúc sản phẩm phổ thông và giá rẻ. Phân khúc hàng cao cấp cũng đóng góp 16% doanh số cho ngành hàng tạp hóa trong năm vừa qua. Thực tế thị trường cho thấy, tầng lớp trung lưu trong khu vực đang tăng cao hơn bao giờ hết. Và điều này dẫn đến xu hướng sử dụng sản phẩm cao cấp ngày càng rõ nét.
Xu hướng này bắt đầu phát triển từ nay đến lâu dài. Ước tính đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở khu vực châu Á sẽ đạt con số 3 tỷ. Trong đó, 17% người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng chi tiêu cao hơn, cũng có gần 43% sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm mang tính sáng tạo đột phá đồng thời quyết định mua hàng của họ sẽ phụ thuộc vào các đặc tính chính của sản phẩm bao gồm chất lượng, mức độ an toàn, việc áp dụng công nghệ tiên tiến.
Người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng nhận thức rõ hơn về việc họ mua gì và muốn mua gì. Họ thích được sử dụng các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm được ứng dụng các công nghệ tiên tiến và xu hướng này khiến họ chọn sử dụng sản phẩm cao cấp thường xuyên hơn.
Riêng tại Việt Nam, mặc dù thời gian qua phải ứng phó với những khó khăn, và khi nói đến tiết kiệm, thì Việt Nam luôn là quốc gia đứng đầu toàn cầu với 79% người tiêu dùng khẳng định đã tiết kiệm trong chi tiêu (tiếp đến là Indonesia 75%, Philippines 65%, Singapore 64%, Malaysia 63% và Thái Lan 60%).
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng tại Việt Nam, khuynh hướng thay đổi thói quen chi tiêu để tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Theo khảo sát của Nielsen, 8/10 người tiêu dùng Việt đã điều chỉnh thói quen của họ trong 12 tháng qua, để hạn chế các khoản chi tiêu của mình.
Cụ thể, 3/5 người Việt đã tiết kiệm chi phí ga và điện cũng như cắt giảm mua sắm quần áo mới so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, phân nửa người Việt cũng đã giảm chi tiêu cho các khoản giải trí bên ngoài gia đình và chi phí sử dụng điện thoại. Nhưng nói như thế không phải là người Việt Nam bỗng trở nên “keo kiệt”, mà các ưu tiên của người tiêu dùng Việt đang thay đổi.
Người dân Việt Nam ngày nay không đơn thuần quan tâm đến cơm no áo ấm, mà muốn cuộc sống tốt hơn, cải thiện hơn. Điều này kéo theo việc gia tăng các ưu tiên khác. Cụ thể, phần lớn người tiêu dùng khao khát có nhà riêng lớn hơn, phương tiện đi lại tốt hơn (từ mô tô chuyển sang ô tô) hoặc đi du lịch đây đó trong khoảng thời gian dài.
Chính vì vậy, sau khi trang trải các chi phí thiết yếu trong cuộc sống, 44% người Việt Nam sẵn sàng dành tiền cho các khoản chi tiêu lớn như, kỳ nghỉ/du lịch, 44% mua sắm quần áo mới, 40% trang trí/sửa chữa nhà cửa, 38% chi vào các sản phẩm công nghệ mới…
Còn ông Johan Vrancken, Trưởng bộ phận nghiên cứu về Sáng tạo và Đổi mới của Nielsen khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì nhận định, bắt đầu từ năm 2016, có một số xu hướng tiêu dùng chính mà các DN, nhà sản xuất kinh doanh hàng hóa cần phải quan tâm.
Đó là, người tiêu dùng hiện nay có đủ khả năng tự chủ trong việc mua sắm vì sự bùng nổ tầng lớp trung lưu ở khu vực châu Á nói chung, và ở Việt Nam nói riêng. Vào năm 2020, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ gấp ba lần hiện tại, đạt đến con số 33 triệu người.
Tiếp đến, các gia đình hiện đại không còn sống tập trung nhiều thế hệ, mà người trẻ tự lập sớm hơn, dẫn đến việc mua sắm cho bản thân nhiều hơn là mua sắm cho đại gia đình. Đặc biệt là xu hướng ưu tiên để dành tiền chi tiêu vào sản phẩm phục vụ cuộc sống chất lượng hơn như sản phẩm công nghệ, xe ô tô, nội thất thông minh và các du lịch hạng sang tăng rõ rệt.
DN Việt Nam muốn đáp ứng tốt nhu cầu này hay để chiến thắng trên thị trường, chìa khóa quan trọng cho việc cao cấp hóa sản phẩm của mình là đổi mới và đầu tư tiếp thị. Nhà sản xuất cần tạo sự khác biệt, truyền thông đưa được thông điệp và cam kết về sự cao cấp mà người tiêu dùng sẽ được trải nghiệm.
Ngoài ra, giá cả cũng là một yếu tố quan trọng, bởi DN sản xuất có thể thu hẹp khoảng cách mức giá giữa dòng sản phẩm cao cấp và phổ thông, để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao hơn sẽ có lợi thế rất lớn. Áp vào thực tế các nước khu vực Đông Nam Á có thể thấy, sản phẩm gia dụng, điện tử, điện lạnh xuất xứ từ Nhật Bản sản xuất tại Thái Lan thì giá trị được xem là cao hơn sản xuất tại Việt Nam, song giá bán lại không chênh lệch nhiều.
Thanh Thanh
(Thời báo Ngân hàng)