Ngày 14/3, Vụ trưởng Vụ Xúc tiến công nghiệp thuộc Bộ Công Nghiệp Thái Lan, ông Somchai Harnhiran cho biết nước này đã khởi động một chiến dịch mới nhằm xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp sang Việt Nam.
Hội nhập TPP, doanh nghiệp cần làm gì?
- Cập nhật : 08/03/2016
(Tin Kinh Te)
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hội nhập thành công với các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng doanh nghiệp cần sát cánh với Chính phủ thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về các hiệp định đó, xây dựng một chương trình hành động của doanh nghiệp trong tương quan liên kết với các doanh nghiệp khác.
Theo nhiều dự báo, Việt Nam nằm trong số các quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được triển khai.
Chung tay thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường
Theo nhiều dự báo, Việt Nam nằm trong số các quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được triển khai. Chúng ta rất nỗ lực trong đàm phán TPP, nhưng ký kết TPP xong mới chỉ là điểm bắt đầu, vấn đề quan trọng, mấu chốt là triển khai Hiệp định này như thế nào để có thể biến những cơ hội dự tính thành hiện thực, mang lại sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Nhà nước và doanh nghiệp là những chủ thể quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong khi Chính phủ đang nỗ lực cải cách thể chế kinh tế thì doanh nghiệp phải làm gì để có sức hội nhập?
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp cần sát cánh với Chính phủ thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh vai trò quyết định của Nhà nước, cải cách thể chế cũng đồng thời là trách nhiệm của doanh nghiệp. Cần có sáng kiến từ doanh nghiệp, sự giám sát phản biện từ doanh nghiệp cũng như sự chung tay thúc đẩy từ doanh nghiệp cùng nhà nước cải cách thể chế.
Cùng với đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp cũng cần giám sát quá trình cải cách thể chế. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã giao cho Ủy ban MTTQ, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đứng ra tổ chức điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, chấm điểm cải cách của các cơ quan Chính phủ; giám sát, đo lường kết quả cải cách của Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp được giao nhiều trách nhiệm quan trọng trong hiến kế, phản biện, giám sát, thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam.
“Sự chậm trễ của cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam có lỗi của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp, 90 triệu người dân phải giám sát đến từng công chức một để thúc đẩy cải cách thể chế, yêu cầu họ phải đổi mới theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ đó, chúng ta có một thể chế tốt, làm bệ đỡ và nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ động xây dựng “kế sách”
Trong môi trường cạnh tranh hội nhập, nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ lo lắng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội; về tình huống không mong muốn là có thể có nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, phá sản. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, khi có những doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí phá sản thì cũng đồng thời sẽ có nhiều doanh nghiệp vươn lên và phát triển. Các doanh nghiệp mới sẽ hình thành, tạo ra nhiều việc làm mới. Đây là quá trình đào thải mang tính sáng tạo. Chính đặc điểm kinh tế của thời đại và hệ quả của nó như đã nói ở trên cho phép doanh nghiêp vươn lên trong cạnh tranh nếu có tư duy và chiến lược đúng đắn.
Doanh nghiệp cần phải hiểu biết một cách sâu sắc các nội dung của Hiệp định TPP và nắm bắt được cơ hội, mang lại lợi ích cao nhất cho mình. Nhà nước không thể cầm tay chỉ việc cho từng doanh nghiệp. –Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh.
Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp là chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, là lực lượng xét đến cùng thể hiện sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, doanh nghiệp cần phải nắm thật chắc Hiệp định TPP nhất là những cam kết liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nắm chắc quy tắc xuất xứ nhằm bảo đảm đúng quy định để được hưởng ưu đãi; kinh doanh trung thực để được đưa vào danh sách được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, từ khóa của hội nhập là chuỗi, các doanh nghiệp phải liên kết theo chuỗi, các cơ quan của Chính phủ cũng phải liên kết với nhau theo chuỗi. Các doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam không thể tồn tại như những ốc đảo không liên kết với nhau. Trong chương trình hành động của mình, doanh nghiệp cần hướng vào các thị trường FTA, đặc biệt là TPP để thiết lập thị trường mới, các quan hệ đối tác trong tương lai. Thị trường nhập khẩu cũng cần hướng đến thị trường nội khối TPP để hưởng các lợi ích từ quy tắc về xuất xứ.
Mặt khác, quản trị doanh nghiệp cũng cần phải đạt chuẩn quốc tế. Bây giờ, các bạn hàng, đối tác cần các sản phẩm hàng hóa không chỉ chất lượng cao, giá cạnh tranh mà đòi hỏi quy trình sản xuất sản phẩm đó phải mang tính nhân văn, bảo đảm các quy chuẩn phát triển bền vững, không gây tổn hại đến môi trường, thực hiện đầy đủ chính sách với người lao động. Các doanh nghiệp phải bảo đảm tính liêm chính, minh bạch, sáng tạo để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối với thị trường FTAs thế hệ mới.
“Thời của TPP, quan hệ đối tác của Chính phủ và doanh nghiệp cần phải thiết lập, không chỉ trong quan hệ làm cầu đường hạ tầng, mà cả trong quan hệ xây dựng chính sách, cải cách chính sách, thúc đẩy phát triển”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo daibieunhandan.vn