tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơ hội từ Cuba

  • Cập nhật : 23/11/2015

(Kinh doanh)

Việt Nam được Cuba chọn là quốc gia đầu tiên để bắt đầu chiến dịch tổng lực mời gọi đầu tư của quốc gia này. Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị từ phía Cuba và cả từ doanh nghiệp VN chưa thể gọi là sẵn sàng.

nhieu doanh nghiep vn quan tam den chinh sach uu dai dau tu cua cuba - anh: ng.nga

Nhiều doanh nghiệp VN quan tâm đến chính sách ưu đãi đầu tư của Cuba - Ảnh: Ng.Nga

 

Có 326 dự án mà Chính phủ Cuba đang mời gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 8 tỉ USD. Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, ông Rodrigo Malmierca Diaz, đã cập nhật danh mục đầu tư này tại Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Cuba được tổ chức tại TP.HCM hôm qua 20.11.
 
Ông Rodrigo Malmierca Diaz cũng nhấn mạnh, năng lượng và khai khoáng, dược và công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến thực phẩm và du lịch… là những ngành quan trọng mà Chính phủ Cuba đang nỗ lực thu hút đầu tư từ nước ngoài.
 
Theo chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của luật Đầu tư nước ngoài 118/2014 của Cuba, nhà đầu tư vào Cuba sẽ được miễn giảm thuế 0% trong 8 năm đầu tiên, đóng 15% thuế từ năm thứ 9. Tuy nhiên, nếu sang năm thứ 9 lại tiếp tục tái đầu tư từ lợi nhuận thu được, nhà đầu tư sẽ tiếp tục được miễn giảm thuế hoàn toàn từ năm thứ 9.
 
Mở nhưng vẫn vướng
 
Tuy nhiên, khác với viễn cảnh Bộ trưởng Rodrigo Malmierca Diaz chia sẻ, nhiều nhà đầu tư người Việt hiện đang và đã đầu tư tại Cuba có những phản hồi quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Cuba.
 
Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH điện hơi công nghiệp Tín Thành, chuẩn bị đầu tư nhiều dự án tại năng lượng, nông nghiệp, mía đường, sản xuất lốp xe tại Cuba, cho biết Công ty Tín Thành hiện đã ký được 4 hợp đồng sản xuất 360.000 ha nông sản, sản xuất 1.500 Mw điện, 7 nhà máy đường và hợp tác sản xuất lốp xe tại Cuba. “Chúng tôi có những cam kết đầu tư rất rõ ràng. Chẳng hạn, điện tại Cuba đang bán 21,7 cent/kW, sau đầu tư dự án năng lượng, tôi cam kết sẽ đưa giá điện về dưới 16 cent/kW, giảm nhập khẩu 2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, 500.000 tấn phân bón, 3,5 triệu tấn ngũ cốc…
mỗi năm”. Nhưng khó khăn mà ông Quyền đang gặp phải tại đây là hiện Cuba chưa có ngân hàng nước ngoài nào có thể thẩm định dự án, tiềm năng để hỗ trợ DN vay vốn đầu tư như mọi quốc gia khác. “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng lớn tại Cuba, nhưng chúng tôi chắc phải chờ ngân hàng nước ngoài vào đầu tư sao?”, ông Quyền đặt câu hỏi.
 
Vấn đề thứ hai, theo ông Quyền là về chính sách tiền lương trong luật Lao động của Cuba. Hiện nhà đầu tư nước ngoài muốn thuê lao động tại Cuba phải trả thuế sử dụng lao động cho chính phủ nước này lên đến 450 CUC (đơn vị tiền tệ của Cuba, 1 CUC = 22.400 đồng), trong khi luật giới hạn DN chỉ trả cho người lao động 25 CUC. “Chúng tôi muốn trả lương cao hơn lại phạm luật, vấn đề này nên được giải quyết thế nào?”, ông Quyền tiếp tục đặt vấn đề.
 
Đại diện Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE cũng bày tỏ quan tâm trở thành nhà cung cấp hoặc hợp tác làm hạ tầng các dự án resort tại Cuba.
 
Ngoài ra, REE muốn đầu tư nhà máy phát điện tại Cuba và thắc mắc thuế nhập khẩu các linh kiện vật tư để làm nhà máy được tính thế nào, ưu đãi thuế tại Đặc khu phát triển Mariel ra sao. Hoặc liên quan đến khai thác tài nguyên là lĩnh vực Cuba đang mời gọi đầu tư, thuế môi trường đánh vào lĩnh vực khai thác như thế nào…
Ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Công ty Rolls - Royce Motor Cars, thắc mắc trong thông tin về Đặc khu phát triển Mariel mà Cuba đang có chính sách thu hút mời gọi đầu tư, chưa có bảng giá thuê đất, mà đó mới là yếu tố quan trọng hấp dẫn nhà đầu tư hay không. “Chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng trong khu Mariel, chính sách quảng cáo thế nào và Agribank của VN có hỗ trợ cho vay khi ngân hàng lập văn phòng tại Cuba theo kế hoạch sắp tới”, ông Minh hỏi.
Giải quyết nhanh
 
Về chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt từ gió và mặt trời, ông Rodrigo Malmierca Diaz cho rằng tùy thuộc vào mỗi dự án mới nói được cụ thể chính sách thế nào. “Chẳng hạn, ngay sử dụng năng lượng sinh khối khác nhau để làm điện, sử dụng bã mía hay loại cây dại đang phổ biến ở Cuba sẽ khác dùng gió và mặt trời”, Rodrigo Malmierca Diaz nói.
 
Về chính sách thuế ưu đãi, theo Giám đốc Ban quản lý tại Đặc khu phát triển Mariel, bà Ana Teresa Igarzar Martinez, nếu đầu tư vào Mariel sẽ được miễn thuế trong 10 năm đầu và sau đó là 12% tổng doanh thu. Nếu tái đầu tư hay lỗ cũng sẽ được tiếp tục miễn thuế. “Các dự án lớn mà có tác động lớn vào kinh tế Cuba, chúng tôi có thể xem xét để miễn trong khoảng thời gian hoặc miễn hoàn toàn. Với thuế sử dụng lao động, sẽ giảm dần xuống 12% vào năm 2017, nhưng nếu đầu tư vào khu Mariel, không phải trả khoản thuế sử dụng lao động này”, bà Ana Teresa Igarzar Martinez thông tin.
 
Riêng về chính sách ưu đãi đầu tư khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, bà Ana Teresa Igarzar Martinez nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư đưa công nghiệp sạch sẽ được xem xét thẩm định kỹ lưỡng trước khi quyết định giảm 50% thuế trong thời gian thu hồi vốn”. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài, chính sách “áp đặt” về lương sẽ được thay đổi. “Luật đầu tư nước ngoài cho phép nhà đầu tư thỏa thuận với công ty tuyển dụng để người lao động không bị trừ lương nhiều như trước đây. Thứ nữa, chúng tôi không khuyến khích ưu đãi các văn phòng đại diện, chỉ ưu đãi cho nhà đầu tư”, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài nói.

(Theo Báo Thanh Nien)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục