tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chính phủ đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

  • Cập nhật : 17/05/2016

(Tin kinh te)

Ngày 16-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

chinh phu khang dinh doanh nghiep la dong luc phat trien kinh te. anh: h.nu

Chính phủ khẳng định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Ảnh: H.Nụ

Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ

Tại Nghị quyết, Chính phủ đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. 

Để doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, Chính phủ khẳng định nguyên tắc Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Chính phủ thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm.

Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ khẳng định không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

“Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh” – Chính phủ đặt ra yêu cầu với DN.

Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tiếp đến là đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; Đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục về đất đai; Tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp; Đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn; Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đề xuất biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và các quỹ của khu vực tư nhân nhằm tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao.

Sẽ ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều), giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…

Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện; nghiên cứu xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp và khoản thu nhập cá nhân do doanh nghiệp trả cho người lao động và đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh lớn, đủ điều kiện là doanh nghiệp phải thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, phát triển các nhà đầu tư tổ chức như: các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh từ năm 2017; hợp nhất hai Sở giao dịch chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoàn thiện và mở rộng thị trường trái phiếu Chính phủ, thúc đẩy cổ phần hóa, gắn kết với việc niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán; đẩy mạnh triển khai các mô hình quỹ tương hỗ, trình Chính phủ trong quý-năm 2016.


Lương Bằng
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục